Thứ năm, 25/2/2010, 09h02

Bí quyết trị say tàu xe

Nôn là động tác do các cơ thành bụng đột nhiên co bóp mạnh, hoành cách mô đẩy lên, tiền vị của dạ dày mở ra, các cơ dạ dày co thắt mạnh, tống dịch, thức ăn trong dạ dày lên miệng và ra ngoài.
Trước khi nôn ta thường có cảm giác buồn nôn và nếu làm mất cảm giác này thì sẽ không nôn. Buồn nôn và nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn và do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng nguyên nhân do say tàu xe, máy bay là thường gặp nhất. Bài viết dưới đây cũng chỉ đề cập đến trường hợp nôn do nguyên nhân này.
Chúng ta biết, tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe (thính giác) mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay, do có sự chuyển động, bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động sẽ làm cho buồn nôn. Say tàu xe, máy bay còn gây chóng mặt, nôn nao, toát mồ hôi.
Có thể thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt sự kích thích dẫn đến say tàu xe, máy bay bằng cách: ngồi ở chỗ thoáng mát, đầu tựa nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn quá uống quá no v.v... Tuy nhiên, ở nhiều người bắt buộc phải dùng thuốc chống nôn.
Để chống say tàu xe, nếu dùng thuốc chống nôn dạng uống, nên lưu ý uống đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn và nên uống 30 phút trước khi lên tàu xe; nếu dùng dạng thuốc dán vào da sau tai nên dán sáu tiếng đồng hồ trước khi lên tàu xe để thuốc có đủ thời gian cho tác dụng.
Dùng các loại thuốc trên có thể bị tác dụng phụ, như dùng nhóm thuốc chống tiết cholin dù là dạng băng dán vào da sau tai có thể bị khô miệng, khó tiểu, nhìn mờ... Hoặc dùng kháng histamin, ngoài tác dụng phụ giống như thuốc tiết cholon còn bị ngầy ngật buồn ngủ rất khó chịu.
Thay vì dùng thuốc tân dược là hóa dược, có thể dùng thảo dược là gừng để phòng chống nôn, say tàu xe. Từ lâu, gừng đã được sử dụng phòng chống nôn theo kinh nghiệm dân gian. Đặc biệt, từ đầu những năm 1980 đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng thực gừng có thể trị nôn mửa mà không gây tác dụng phụ như các thuốc hóa dược. Đối với người dễ bị say tàu xe, trước khi bước lên tàu xe nên chuẩn bị sẵn củ gừng đã xắt lát, để khi yên vị thỉnh thoảng ngậm một lát gừng. Hiện nay cũng đã có các chế phẩm gừng xuất hiện trên thị trường dùng như thuốc, đặc biệt là bột gừng được sản xuất dạng viên nén dùng rất thuận tiện.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y Dược TP.HCM)
Phụ Nữ