Thứ bảy, 18/11/2017, 14h05

Bình Thuận dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai tại cuộc họp khẩn triển khai đối phó với cơn bão số 14, vừa diễn ra lúc 9 giờ sáng nay, 18.11.

Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận họp chuẩn bị ứng phó với bão số 14 /// Quế Hà
Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận họp chuẩn bị ứng phó với bão số 14. QUẾ HÀ
Theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn, hồi giờ sáng nay (18.11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Do vậy, Bình Thuận sẽ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14. Cụ thể là từ đảo Phú Quý tới các huyện phía bắc Bình Thuận sẽ bị bão số 14 tràn qua.
Bộ đội đội biên phòng báo cáo đã thông báo đến hơn 3.000 tàu thuyền vào bờ hoặc neo đậu an toàn tránh cơn bão số 14. Hiện nay có trên 400 chiếc tàu với hàng trăm lao động đang đánh bắt ngoài xa khơi, chủ yếu ở khu vực Trường Sa, nam đảo Côn Sơn, Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), Gành Hào (Bạc Liêu) và phía nam đảo Phú Quý.
Theo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến tối 17.11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là: 2.322 chiếc/14.325 lao động. Cụ thể, tàu thuyền đánh bắt xa bờ: 343 chiếc/4.216 lao động. Khu vực hoạt động chủ yếu ở Khu vực quần đảo Trường Sa, Phú Quý - Côn Sơn, phía tây và nam Côn Sơn.
Bộ đội biên phòng Bình Thuận kiến nghị rút kinh nghiệm cơn bão số 12 vừa qua, đề nghị chỉ đạo yêu cầu tất cả người lao động trên các lồng bè phải vào bờ. Biên phòng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuân thủ tuyệt đối các quy định về neo đậu tàu thuyền.
Quan tâm các công trình thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân
Ông Mai Kiều, Phó Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cho biết, nếu bão vào phía bắc Bình Thuận thì phải quan tâm ngay đến các công trình thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Ông Mai Kiều cũng cho rằng cần kiểm tra và có phương án ứng phó các hồ đập vì có thể xảy ra nguy cơ vỡ hồ đập khi lượng mưa lớn.
Bình Thuận dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14 - ảnh 1
Tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại cửa sông Cà Ty- TP. Phan Thiết. QUẾ HÀ
Báo cáo từ đầu cầu đảo Phú Quý, Chủ tịch UBND huyện đảo Tạ Minh Nhựt, cho biết sáng 18.11 còn 258 chiếc trên biển, 56 chiếc đang đánh bắt xa bờ.
Rút kinh nghiệm từ bão số 12, tàu Phú Quý vào Phan Thiết thì không có chỗ neo đậu, UBND huyện đảo Phú Quý đề nghị phải tạo điều kiện cho tàu của đảo vào neo đậu an toàn ở Phan Thiết và cả cảng Vũng Tàu.
Chủ tịch UBND H.Tuy Phong Huỳnh Văn Điển thì cho biết, đã thông báo đến lãnh đạo các nhà máy ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tập trung ngay vào việc chống bão số 14. Ông Điển kiến nghị UBND tỉnh chính thức có lệnh cấm biển. Theo Chủ tịch Tuy Phong, khó nhất ở Tuy Phong hiện nay là không có nơi neo đậu cho các tàu lớn, mà chỉ có thể neo đậu được tàu thuyền nhỏ của ngư dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Bình Thuận cho rằng tình trạng chủ quan của người dân còn phổ biến. Nếu tâm bão đổ bộ đúng Bình Thuận thì thiệt hại sẽ là rất lớn. Ông Phạm Văn Nam cho biết ngay chiều nay UBND tỉnh sẽ có lệnh cấm biển vì dự báo bão 14 đi với tốc độ cao, đang tiến vào đất liền. Nếu bão đổ bộ thì tâm điểm sẽ là đảo Phú Quý và Tuy Phong, tuy nhiên lo ngại lớn nhất lại không phải là Phú Quý vì dân trên đảo từng chịu bão Durian nên đã cảnh giác; lo ngại chính là H.Tuy Phong, do người dân chủ quan.
Bình Thuận dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 14 - ảnh 2
Đảo Phú Quý được dự báo là bão số 14 sẽ đi qua nên việc đối phó với bão không được chủ quan. QUẾ HÀ
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai nhận định khả năng bão đổ bộ vào Bình Thuận là rất lớn. “Trước 17 giờ chiều nay, phải làm xong công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ và neo đậu an toàn”, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói. 
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị phải có lệnh cấm biển ngay chiều nay; chuẩn bị phương án sơ tán dân, công nhân và bảo vệ tài sản của nhà nước tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Đối với các cơ sở du lịch thì phải thông báo cho du khách biết, đặc biệt là khách quốc tế phải được bảo vệ an toàn tính mạng.
Đối với 1.074 lồng bè đang nuôi cá trên biển (chủ yếu ở đảo Phú Quý và Tuy Phong) cho tới 17 giờ chiều nay, tất cả phải đưa người vào bờ. Nếu không vào bờ thì các địa phương và biên phòng phải cưỡng chế. Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng chủ động giúp dân thu hoạch ngay các sản phẩm nông, lâm thủy sản để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho dân... Ông Nguyễn Ngọc Hai nhắc lại cơn bão Durian (2006) ập vào đảo Phú Quý đánh chìm hàng nghìn tàu thuyền do tính chủ quan của người dân không neo đậu tàu thuyền.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hai còn lưu ý các vùng có nguy cơ sạt lở sau bão, vì trong bão có thể không xảy ra thương vong, nhưng sau bão, chủ quan do mưa lớn lại có thể để xảy ra chết người. Ông Hai đặc biệt lưu ý TP.Phan Thiết phải chủ động sơ tán dân vùng ven biển, vùng sạt lở bờ sông, các resort ở Mũi Né để tuyệt đối an toàn cho dân và du khách. Đối với khả năng xả lũ ở các hồ thủy lợi và thủy điện Đại Ninh, Đa Mi - Hàm Thuận, phải thông báo cho dân biết kế hoạch nếu xả lũ, tuyệt đối không được để dân bị động
Ông Hai yêu cầu ngay chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh phải đến Tuy Phong kiểm tra việc phòng chống bão tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Đối với các tàu nước ngoài đang ở Vĩnh Tân, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và Cảng vụ hàng hải Bình Thuận phải đưa vào cảng Cà Ná neo đậu, không được chủ quan để xảy ra chìm tàu dẫn đến chết người như cơn bão 12 vừa qua.
  

Quế Hà/TNO