Thứ ba, 9/4/2013, 20h04

Bỏ chấm điểm để tránh gây áp lực cho học sinh

Trong 2 ngày 8 và 9-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP.HCM, UBND huyện Củ Chi, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường TH Lương Định Của (Q.3)… về việc thực hành chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông để chuẩn bị cho công tác đổi mới toàn diện giáo dục. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình SGK còn nặng lý thuyết, lạc hậu không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh (HS) hiện nay, đồng thời chưa thể hiện tính tích hợp cũng như tính ứng dụng.
Tại Trường TH Lương Định Của, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định: “Nội dung kiến thức SGK quá nhiều, khô khan, chưa gần gũi, phù hợp với HS. Việc phân phối chương trình không có thời gian trải nghiệm cho thực tế, hầu hết học trong lớp. Chương trình dù đã giảm tải nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tế, nội dung giảm tải còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, không hợp lý. Việc đánh giá kết quả còn dựa vào điểm số, gây áp lực căng thẳng cho HS và giáo viên (nhất là đối với HS mới vào lớp 1)…”. Bà Hạnh cũng kiến nghị, Ban soạn thảo chương trình giáo dục mới cần đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, mạnh dạn giảm bớt những lý thuyết không cần thiết, tăng thời gian để giáo viên và HS áp dụng phương pháp mới… Về đánh giá xếp loại HS, chỉ nên nhận xét sự tiến bộ từng mặt, bỏ hẳn việc cho điểm số để tránh áp lực, căng thẳng cho các em…
Ông Lê Văn Học - Phó trưởng Đoàn giám sát - cho biết đến khoảng năm 2020, HS sẽ có bộ SGK mới phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em cũng như nhu cầu của xã hội.
Hôm nay, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM TP.HCM về công tác đào tạo sư phạm. Qua đó tìm hiểu nguyên nhân vì sao giáo sinh ra trường khó xin được việc.
K.Anh