Thứ năm, 27/2/2014, 22h02

Bỏ điểm sàn: Có đảm bảo chất lượng nguồn tuyển?

Thí sinh dự thi ĐH-CĐ 2013. Trong kỳ tuyển sinh năm nay, điểm sàn sẽ không còn được áp dụng. Ảnh: M.Tâm

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2014 sẽ không còn điểm sàn như những năm trước. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ có một hội đồng tư vấn đưa ra các tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Như vậy, thay vì chỉ có 1 tiêu chí là điểm sàn thì năm nay, sẽ có nhiều tiêu chí để đánh giá năng lực của thí sinh và giúp các trường lựa chọn nguồn tuyển của mình. Tuy nhiên, quan điểm này của bộ đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Dễ vơ bèo vạt tép trong tuyển sinh
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng khi giữ “3 chung” thì phải có điểm sàn. Đó là chuẩn mực để khống chế chất lượng. Không thể để điểm tuyển sinh quá thấp. Nếu thí sinh không biết gì, đạt 5-6 điểm/3 môn sao có thể đào tạo được. Theo ông Hóa, cần có ngưỡng tối thiểu và phải là kết quả thi 3 môn. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế cho rằng bỏ điểm sàn ngay năm nay là hơi sớm. Trước khi quyết định bỏ điểm sàn, bộ cần phải xây dựng khung tiêu chí đánh giá chất lượng thí sinh bởi lâu nay điểm sàn là cơ sở để đánh giá chất lượng đầu vào tối thiểu. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho hay với các trường không coi trọng sản phẩm đầu ra, không sàng lọc thì việc bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Mặc dù sản phẩm đào tạo không đảm bảo chất lượng thì tự gánh chịu hậu quả, thậm chí, đóng cửa trong tương lai. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cần có một chuẩn đầu vào vì đó ngưỡng tối thiểu để vào học ĐH, tùy các khối ngành khác nhau. Ngay cả Hiệp hội Các trường ngoài công lập cũng vẫn giữ quan điểm: Không phải bỏ điểm sàn để dẫn tới tình trạng loạn tuyển sinh, tuyển sinh bừa bãi. Lãnh đạo hiệp hội cũng cho hay việc bỏ điểm sàn không chỉ liên quan đến riêng các trường ngoài công lập mà liên quan đến toàn hệ thống. Bộ có thể bỏ điểm sàn chung nhưng với từng trường sẽ phải có điểm sàn tối thiểu.
Như vậy, nhiều người lo ngại rằng việc bỏ điểm sàn sẽ dẫn đến tình trạng các trường dễ vơ bèo vạt tép trong tuyển sinh.
Vì sao bộ bỏ?
Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho rằng điểm sàn hiện nay sẽ không còn ý nghĩa nữa khi bộ đã cho các trường tự chủ tuyển sinh. Ông Lập giải thích: “Điểm sàn trong kỳ thi “3 chung” những năm qua chỉ có ảnh hưởng tới các trường ĐH ngoài công lập và những trường vừa nâng cấp từ trung cấp, CĐ lên ĐH. Đây là những trường khó tuyển sinh khi bị khống chế nguồn tuyển. Năm nay, do được tự chủ tuyển sinh, các trường này đã “né” điểm sàn bằng cách xét tuyển thí sinh từ kết quả học phổ thông. Vì vậy, có giữ điểm sàn cũng không còn ý nghĩa nữa”.
Còn ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng sẽ có tiêu chí để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Những năm trước đây có một hội đồng tư vấn đề giúp lãnh đạo Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn. Năm 2012-2013, chúng ta đã đưa phương án lên diễn đàn xin ý kiến. Rất nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý đã có ý kiến về xây dựng điểm sàn. Bộ đã có điều chỉnh phương án điểm sàn năm 2013. Từ việc xác định điểm sàn dựa trên tổng nguồn tuyển, tổng chỉ tiêu sang phương án điểm sàn  bằng xác định phổ điểm. Năm nay, chúng ta không xác định tiêu chí điểm sàn nữa mà sẽ có các tiêu chí để đảm bảo chất lượng. Sẽ có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng về việc này. Bộ sẽ mở diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi, trên cơ sở đó hội đồng tư vấn sẽ có quyết định và có báo cáo cụ thể. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng phân tích chuyện lựa chọn trường của người học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nó phụ thuộc vào uy tín, danh tiếng của nhà trường. Mà uy tín, danh tiếng phải xây dựng trong nhiều thời gian, nhiều công sức. Để mất thì rất  nhanh nhưng để có thì rất lâu. Ông Tuấn cũng cho rằng bây giờ phụ huynh cũng rất sáng suốt khi lựa chọn trường cho con em mình đi học. Nếu lựa chọn không tốt, họ không chỉ mất tiền bạc, cái quan trọng là mất đi những năm tháng tuổi trẻ của con em mình mà không gì có thể mua được. Học những trường không tốt, ra trường không làm được việc, không có việc làm thì học để làm gì?
Tuy nhiên, một chuyên gia giáo dục cho rằng  năm nay có nhiều trường trình phương án xét tuyển riêng, lấy thí sinh dựa vào kết quả học tập và tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, các trường này vẫn lấy nguồn tuyển của kỳ thi “3 chung”. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ điểm sàn thì sẽ phát sinh mâu thuẫn có những thí sinh thi chung không đủ điểm sàn xét tuyển nhưng lại đủ điều kiện khi xét tuyển kết quả học tập phổ thông. Như vậy, rất khó để giải thích với xã hội về chất lượng nguồn tuyển.
Nghiêm Huê