Thứ bảy, 14/4/2018, 18h16

Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật

Vòng chung kết cuộc thi “Nhà khoa học trẻ NHG” - một hoạt động thường niên do Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức cho học sinh khối phổ thông thuộc hệ thống giáo dục của NHG đã diễn ra sôi động vừa qua. Giải nhất được trao cho dự án “Công tắc WIFI - Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật” của Võ Lê Mai Anh và Lê Ngọc Kim Nguyên (lớp 9/3, Trường iSchool Nha Trang), một trong nhiều đề tài mang tính cộng đồng và có ý nghĩa xã hội cao của cuộc thi năm nay.

TS. Đinh Quang Nương (Phó Tổng Giám đốc NHG) và TS. Đỗ Mạnh Cường (Thường trực Hội đồng Giáo dục, Giám đốc chuyên môn NHG) trao giải nhất cho hai em Mai Anh và Kim Nguyên (học sinh lớp 9/3, Trường iSchool Nha Trang)

Từ khao khát sẻ chia…

Qua việc chứng kiến cuộc sống hàng ngày của một người quen bị khuyết tật, với vật bất ly thân là đôi nạng và chiếc xe lăn, hai em Võ Lê Mai Anh và Lê Ngọc Kim Nguyên thấu hiểu được khó khăn mà những người khuyết tật phải đối mặt, cũng như mong muốn giúp cho cuộc sống hàng ngày của họ trở nên thuận tiện hơn, không phải tốn nhiều công sức đi lại để giải quyết các vấn đề như tắt - mở bóng đèn trong nhà, trước sân… Từ đó hai em lên ý tưởng tạo một thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật, có khả năng điều khiển các thiết bị điện trong gia đình.

Để làm được sản phẩm, nhóm đã nghiên cứu khá kỹ lý thuyết về điện tử cơ bản; lập trình xử lý cho ESP 8266 (chip tích hợp wifi 2.4Ghz có thể lập trình được); lập trình điều khiển với điện thoại Android; giao thức mạng TCP/IP ( một tập hợp các giao thức điều khiển truyền thông giữa tất cả các máy tính trên internet); kỹ thuật NaT port (kỹ thuật mở mạng, giúp xem camera qua internet với mọi thiết bị). “Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm và được thầy Võ Duy Phương tư vấn tận tình nên chúng em đã thành công với sản phẩm “Công tắc WIFI””, Mai Anh chia sẻ. Theo đó, “Công tắc WIFI” gồm một hộp xử lý được kết nối với điện thoại Android thông qua mạng wifi dùng để giám sát và điều khiển thiết bị điện. Hộp xử lý có kích thước bằng hộp điện gia dụng, có thể dùng hộp điện lắp âm tường hoặc hộp điện lắp nổi. Số công tắc tối đa cho mỗi hộp là ba công tắc, phụ thuộc và kích thước vỏ hộp. Phần điều khiển sản phẩm được thao tác hoàn toàn trên điện thoại. Sau khi đã kết nối với hộp xử lý, người điều khiển có thể xác định trạng thái và điều khiển tắt/mở.

Hai em Mai Anh và Kim Nguyên bên dự án “Công tắc WIFI” (Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật”
Hai em Mai Anh và Kim Nguyên thuyết trình về dự án trước Ban giám khảo cuộc thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018”

Sản phẩm sử dụng kỹ thuật NAT port để có thể điều khiển dù bất kỳ nơi đâu, chỉ cần kết nối được internet.

Rộng mở hướng phát triển

Với một ứng dụng (application) đơn giản trên Smartphone, người dùng sản phẩm “Công tắc WIFI” có thể dễ dàng bật tắt công tắc điện dù ở bất cứ đâu chỉ bằng chiếc điện thoại trên tay. Bộ điều khiển thể hiện giá trị sử dụng thực tế, giúp ích rất nhiều cho người khuyết tật, tương tác tốt với người dùng. Với nhiều ưu điểm như tính thẩm mỹ cao, nhỏ gọn, giá thành thấp, sản phẩm có nhiều tiềm năng nhân rộng trong đời sống, không chỉ dành riêng cho người khuyết tật mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho cộng đồng. Sản phẩm có thể phát triển các ứng dụng cho nhà thông minh, đặc biệt là không cần phải can thiệp sâu vào hệ thống điện đã có sẵn. Ngoài ra, số lượng thiết bị điều khiển có thể mở rộng tùy nhu cầu của người sử dụng. “Trong tương lai, chúng em có những hướng đi tích hợp thêm những việc khác cũng bằng chính thiết bị này như ghi âm, chụp ảnh…”,  Mai Anh cho biết.

TS. Đinh Quang Nương (Phó Tổng Giám đốc NHG) đánh giá cao việc các đề tài dự thi năm nay mang tính cộng đồng và tính ứng dụng cao, thể hiện sức sáng tạo của học sinh hệ thống giáo dục NHG

Phát biểu tại vòng chung kết cuộc thi “Nhà khoa học trẻ NHG” 2018, TS. Đinh Quang Nương (Phó Tổng Giám đốc NHG) nhấn mạnh: “Cuộc thi năm nay ghi nhận nhiều đề tài mang tính cộng đồng, xã hội và tính nhân bản cao, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của các em học sinh trong hệ thống giáo dục NHG. Chúng ta cần xây dựng hệ thống để học sinh chia sẻ những đề tài giữa các trường, cùng học hỏi, rút kinh nghiệm và liên tục phát triển tinh thần cũng như các dự án nghiên cứu khoa học”.

Cuộc thi là hoạt động thường niên do NHG tổ chức nhằm giúp học sinh trau dồi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống, hình thành các sản phẩm phục vụ cộng đồng; khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, đam mê tìm hiểu, đam mê nghiên cứu cho học sinh trong hệ thống giáo dục của tập đoàn.

DIỆU HUYỀN