Thứ tư, 14/12/2011, 21h12

Bộ GD - ĐT càng sửa càng sai

"Những việc Bộ GD - ĐT đang làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mang tính chắp vá theo hướng “dân kêu đâu thì sửa đấy và sửa đâu hỏng đấy”, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nói.
Trao đổi với PV về một số chủ trương cải cách thi THPT, tuyển sinh ĐH của Bộ GD – ĐT gần đây như: trao quyền tự chủ cho các ĐH, thay đổi một số quy định về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng, cách làm của Bộ đang đi ngược với xu hướng phát triển giáo dục.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT
“Việc Bộ GD - ĐT thay đổi thi tốt nghiệp THPT và tăng cường khối thi ĐH liên quan đến nhau. Qua đây cho thấy ý tứ của Bộ là khoán vấn đề thi tốt nghiệp THPT cho địa phương để tập trung cho thi ĐH . Nghĩa là Bộ vẫn chủ trương thắt chặt đầu vào ĐH và cho rằng như vậy thì đầu ra mới tốt. Cách làm này của Bộ ngược với với xu thế hiện nay trên thế giới và luật giáo dục. Luật giáo dục quy định học sinh tốt nghiệp THPT có quyền vào học một trường nào đó phù hợp với khả năng của mình và các nước thế giới đều làm thế”, ông Nhĩ nói.
Cụ thể, về chủ trương bỏ thi cụm, chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp ông Nghĩ cho rằng, cách làm này có thể sẽ làm tăng tính tiêu cực.
“Việc thi cụm, chấm chéo làm giảm được khả năng gian lận trong khâu tổ chức thi và chấm thi. Tuy nhiên, để giảm bớt tính chất phức tạp, gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên thì có thể rút gọn phạm vi chấm chéo, thi cụm. Nghĩa là có thể chỉ đổi giữa 4 - 5 trường trong cùng một huyện với nhau chứ không nhất thiết phải là giữa miền Nam với miền Bắc”, ông Nhĩ góp ý.
Ông Nhĩ cũng cho rằng chủ trương thi ĐH nhiều khối là không cần thiết và bất hợp lý. Ông đề xuất: “Theo tôi, nếu Bộ tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng thì các trường chỉ cần căn cứ vào kết quả một số môn thi cơ bản để xét tuyển. Sau đó tùy vào nhu cầu đào tạo từng ngành mà có thể tổ chức thi thêm một môn nào đó. Như vậy sẽ thuận với xu hướng chung của thế giới mà tiết kiệm được chi phí tuyển sinh, thuận lợi cho các cơ sở đào tạo”.
Cũng theo ông Nhĩ, những việc Bộ GD - ĐT đang làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mang tính chắp vá theo hướng “dân kêu đâu thì sửa đấy và sửa đâu hỏng đấy”. Nếu Bộ GD - ĐT cứ duy trì cách làm này, những bất cập trong giáo dục không những không được tháo gỡ mà sai sẽ nhiều hơn, trầm trọng hơn.
“Một số chủ trương Bộ GD - ĐT đang làm có từ hồi tôi còn làm thứ trưởng. Hồi đó, chúng tôi đề ra nhưng thấy một số điểm tiêu cực nên bỏ đi thì giờ Bộ GD – ĐT lại làm lại. Những chủ trương này sẽ không đem lại hiệu quả. Theo đó, thay vì làm tiếp, Bộ nên bắt mạch lại mọi vấn đề mang tính xuyên suốt cả quá trình, thay đổi suy nghĩ và dám làm”, ông Nhĩ góp ý.
 
Theo Khánh Tường
(ĐVO)