Thứ bảy, 9/9/2017, 20h34

Bộ GD-ĐT: Không nhập khẩu nguyên xi giáo dục Phần Lan

“Sau chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tới Phần Lan và một số nước, sẽ có nhiều việc phải làm trong đó có nghiên cứu kỹ thông tin tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nước về giáo dục của Phần Lan, việc áp dụng chưa thành công tại Indonesia và Thái Lan… Sau đó mới có thể nói được nước ta sẽ tham khảo, áp dụng được gì chứ hiện nay còn quá sớm đến khẳng định”, ông Nguyễn Xuân Vang (Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT) cho biết. Trước đó, từ ngày 25-8 đến 3-9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dẫn đầu đoàn công tác của ngành giáo dục đi thăm và làm việc tại Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển nhằm trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới giáo dục, phát triển chương trình.

Ông Vang cho hay, có rất nhiều điều chúng ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh… Tuy nhiên, việc áp dụng được những điều mà nước này đang làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng ta có thể tham khảo chương trình giáo dục của Phần Lan để chọn những gì phù hợp với Việt Nam để áp dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới mà bộ đang xây dựng. Trong quá trình xây dựng chương trình, việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết.

Liên quan đến băn khoăn của dư luận trước một số thông tin cho rằng trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển Phần Lan có đề cập việc có thể xem xét “nhập khẩu” chương trình giáo dục của nước bạn về áp dụng tại Việt Nam, ông Vang khẳng định, trong cuộc hội đàm này không hề nhắc đến nội dung trên. Hai bộ trưởng chỉ đặt vấn đề thúc đẩy các dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận với trình độ giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan. Cũng như không có chuyện sẽ mang “nguyên xi” giáo dục Phần Lan hay bất kỳ nước nào về áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến theo hướng có chọn lọc và phù hợp với điều kiện triển khai của Việt Nam.

Hiện Bộ GD-ĐT đang tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình xây dựng chương trình thì việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết. Các nước Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan có nền giáo dục tiên tiến, không chỉ nước ta mà nhiều quốc gia khác cũng đã đến học tập.

Theo ông Vang, gần đây Phần Lan được biết đến với những thành công nổi bật về giáo dục phổ thông. Trong kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng, nước này luôn đứng thứ hạng cao. Yếu tố đầu tiên và then chốt góp phần vào thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên. Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo viên, xã hội kính trọng thực sự đối với nghề giáo. Việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắt khe, tỉ lệ chọi là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được đi dạy…

Mê Tâm