Thứ sáu, 12/1/2018, 10h49

Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời

Trạm thu phí T2 dự án BOT quốc lộ 91 bị người dân lẫn chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang phản ứng do đặt bất hợp lý. Bộ GTVT cũng thừa nhận “còn nhiều bất cập, không công bằng...”, nhưng đến nay vẫn chưa chịu di dời.

Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời - Ảnh 1.

Sơ đồ trạm thu phí T2 - Đồ họa: V.CƯỜNG

Liên tiếp trong các ngày từ 9 đến 11-1, trạm thu phí T2 thuộc dự án BOT quốc lộ 91 đóng tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bắt đầu bị người dân phản ứng. Trạm này đang có nguy cơ trở thành điểm nóng như trạm BOT Cai Lậy, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp...

Gánh nặng cho dân

Suốt thời gian dài, người dân và doanh nghiệp các tỉnh An Giang, Kiên Giang gửi hết kiến nghị này đến kiến nghị khác lên Bộ Giao thông vận tải nhưng vô vọng. 

Theo người dân hai tỉnh này, trạm T2 đặt như vậy rất bất hợp lý, bởi nhiều xe đi từ An Giang lên Cần Thơ chỉ sử dụng vài trăm mét quốc lộ 91 rồi rẽ sang quốc lộ 80 Kiên Giang nhưng phải trả phí cho toàn tuyến.

Ông N.T.Đ. - chủ một doanh nghiệp vận tải ở An Giang - cho biết doanh nghiệp ông sở hữu 12 xe tải loại 15 tấn và 3 xe container chạy cố định tuyến An Giang - Cần Thơ, An Giang - Kiên Giang. 

Trong đó mỗi ngày riêng tuyến Kiên Giang ông Đ. có đến 5 xe tải và 1 xe đầu kéo phải qua trạm T2. 

Ông Đ. nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét giảm giá nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

"Tuyến đi Kiên Giang chúng tôi phải chịu thiệt thòi dữ lắm, 5 xe tải đi về qua trạm T2 mất hết 1,4 triệu đồng/ngày, xe đầu kéo đi về mất 400.000 đồng. Tổng kinh phí một ngày phải chi trả cho vài trăm mét quốc lộ 91 hết 1,8 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng tôi mất 54 triệu đồng" - ông Đ. nói.

Điều khiến ông Đ. lo lắng nhất là khi chưa có trạm T2 thì doanh nghiệp ông làm ăn có lãi, nay tiền lãi chỉ đủ đóng cho trạm T2 nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng để giữ khách, chờ trạm giảm giá.

Ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Công ty cổ phần Vận tải An Giang - cũng nói việc đặt trạm T2 rõ ràng là bất hợp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp. 

Đơn cử lượng xe buýt của công ty ông chỉ sử dụng hơn 200m tuyến quốc lộ 91 nhưng hằng tháng phải mất 30 triệu đồng trong khi giá vé xe buýt không thể tăng.

Sao chưa chịu dời?

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Bình Thạnh - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết UBND tỉnh nhiều lần làm việc với Bộ Giao thông vận tải, thậm chí phản ảnh trực tiếp với Thủ tướng xem xét lại vị trí đặt trạm T2.

"Chính sách miễn giảm phí ở trạm T2 không làm người dân và doanh nghiệp tỉnh An Giang hài lòng, nếu đem chuyện đặt trạm T2 đã được lấy ý kiến của TP Cần Thơ mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân An Giang thì không thuyết phục lắm. Đó là chưa kể khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng thì người dân An Giang sẽ càng không hài lòng, bởi mỗi khi từ An Giang đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ đều phải mất phí qua trạm T2 để lên cầu. Ý kiến của tôi là phải cương quyết dời trạm T2" - ông Thạnh khẳng định.

Tương tự, ông Lê Việt Bắc - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang - nói từ khi trạm T2 đi vào hoạt động, nhiều chủ phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa kiến nghị chủ đầu tư dời trạm, Sở Giao thông vận tải Kiên Giang tiếp thu những kiến nghị này, chuyển lên Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được xử lý thỏa đáng.

Trước những kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Khang, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, cho rằng phương án thu phí cho toàn dự án phụ thuộc vào các bên như Nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư bàn bạc đưa ra trước đó. Phương án này cũng được Chính phủ phê duyệt. Trạm T2 đặt ở vị trí hiện tại là hoàn toàn phù hợp, mức phí được Bộ Tài chính cho phép.

Bộ thừa nhận BOT quốc lộ 91 bất cập nhưng vẫn chưa di dời - Ảnh 3.

Ùn ứ giao thông tại trạm T2 do các tài xế không chịu mua vé qua trạm - Ảnh: H.NGUYỄN

Đang tính toán rà soát

Ngày 11-1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết hai tỉnh Kiên Giang, An Giang từng kiến nghị di dời trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91, nhưng để di dời được trạm thì lại liên quan đến phương án tài chính đặt ra khi nghiên cứu thực hiện đầu tư. 

Nếu di dời trạm đến vị trí khác ngay mà không có phương án đảm bảo doanh thu sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án. Lúc đó nợ vay ngân hàng trong dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 sẽ chuyển thành nợ xấu cho đất nước.

Trong cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh An Giang hồi tháng 12-2017, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Liên quan đến chỉ đạo trên, ông Nhật cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang giao nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 91 và các đơn vị liên quan tính toán, rà soát dự án trong tương quan với việc cầu Vàm Cống và các tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án nối quốc lộ 91 với tuyến tránh TP Long Xuyên hoàn thành. Qua đó có phương án hợp lý nhất trước khi báo cáo Thủ tướng.

Trước đó ngày 5-5-2017, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cũng có văn bản thừa nhận vị trí đặt trạm thu phí T2 còn nhiều bất cập, không công bằng với tất cả mọi đối tượng. Qua đó yêu cầu các chủ đầu tư rà soát miễn giảm phí cho phù hợp.

* Luật sư NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH:

Người dân bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện

Trước hết, nếu hai địa phương là An Giang và Kiên Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về di dời trạm BOT T2 nhưng bộ không phản hồi, không di dời như đề xuất thì có thể tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng để giải quyết theo thẩm quyền hành chính. Đó là về mặt quản lý nhà nước.

Còn về mặt pháp lý, những đối tượng có liên quan đến việc thu phí của trạm này có quyền khởi kiện ra tòa án. Nội dung là kiện quyết định hành chính phê duyệt đặt trạm BOT đối với cơ quan nào ra quyết định này.

Thẩm quyền giải quyết vụ kiện hành chính này thuộc về TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

CHÍ QUỐC ghi

Theo TTO