Thứ ba, 3/1/2012, 10h01

Bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp sư phạm cho GV tiểu học

Bài cuối: Kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành

Ngành giáo dục cũng như đội ngũ GV cần nhận thức thấu đáo về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc rèn luyện và bồi dưỡng kĩ năng GTSP (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Bồi dưỡng GV được xem là việc đào tạo lại, đổi mới, cập nhật kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp; là quá trình cập nhật kiến thức còn thiếu hoặc đã lạc hậu, bổ túc nghề nghiệp, đào tạo thêm hoặc củng cố các nghề nghiệp theo các chuyên đề. Còn về mục đích, bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp sư phạm (GTSP) cho GV là một loại hoạt động nhằm bổ sung tri thức, giúp cho GV cập nhật kiến thức mới về kỹ năng này nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng giảng dạy và giáo dục.
Về phương diện thực tiễn, trong giai đoạn hiện nay, nội dung của công tác bồi dưỡng kĩ năng GTSP cho GV tiểu học, thiết nghĩ cần tập trung hướng đến các nội dung và yêu cầu sau đây:
Yêu cầu về nội dung bồi dưỡng kĩ năng GTSP
Một là, nội dung bồi dưỡng phải phong phú, đa dạng; mới mẻ, đi sát nhu cầu và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, giúp cho GV có nhiều sự lựa chọn và thực sự ham thích tham gia, tránh được sự đơn điệu, lạc hậu so với thực tiễn giảng dạy và nhu cầu thực tế của xã hội; trong đó có sự quan tâm đúng mức đến các loại trình độ học tập, hỗ trợ có hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp và kĩ năng GTSP theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Hai là, các phương pháp và hình thức tổ chức triển khai các kĩ năng GTSP của GV tiểu học cần phải xuất phát và bám sát các yêu cầu, đặc trưng của đối tượng giao tiếp chính là HS tiểu học, đòi hỏi phải chọn lựa và sử dụng các phương pháp và hình thức GTSP cụ thể, thích hợp. Ba là, những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong kĩ năng GTSP phải được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, đồng thời có sự linh hoạt, sáng tạo, tùy theo lứa tuổi, nội dung và môi trường để truyền đạt và thể hiện, sao cho đạt đến mục tiêu và hiệu quả cao nhất. Bốn là, GV tiểu học cần tận dụng và phát huy tối đa các công cụ, phương tiện hỗ trợ trong quá trình triển khai các kĩ năng GTSP. Trong đó, cần xác định rõ cái nào là cần thiết, bắt buộc và chủ yếu; cái nào là thứ yếu, là hỗ trợ; đồng thời phải luôn ý thức về đối tượng giao tiếp cụ thể (lớp, khối nào) để có thể sử dụng các công cụ, phương tiện đó một cách phù hợp, chuẩn xác...
Các giải pháp bồi dưỡng kĩ năng GTSP
Công tác bồi dưỡng kĩ năng GTSP phải được duy trì thường xuyên, liên tục. Ngoài bồi dưỡng định kì, cần có bồi dưỡng đột xuất, căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tiễn giáo dục. Cần có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa bồi dưỡng về lý thuyết gắn liền với thực hành, nhằm tạo thế tương hỗ, bổ sung cho nhau. Trong đó, cần tiếp tục củng cố mạng lưới trường tiểu học thực hành, lựa chọn những GV tiểu học có kinh nghiệm tham gia hướng dẫn thực hành cho GV trẻ, GV mới vào nghề về những kĩ năng quan trọng này. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tọa đàm, thảo luận, tổ chức các hội thảo chuyên đề để đội ngũ cán bộ quản lý, GV thấu suốt và có sự đồng thuận cao nhằm nâng cao chất lượng của kĩ năng GTSP. Bên cạnh đó, cần thường xuyên có sự sơ kết, tổng kết, đánh giá để rút ra những kinh nghiệm, từ đó khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, đồng thời không ngừng phát huy những ưu điểm, thành tựu đã đạt được. Hàng năm, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT... cần tổ chức các cuộc thi: “Kĩ năng ứng xử sư phạm”, “Kĩ năng GTSP”, “Nét đẹp GTSP”... một cách thường xuyên, với nội dung phong phú, thiết thực. Các trường sư phạm nên duy trì học phần “Giao tiếp sư phạm” và có thể tăng thêm số tiết của học phần này, nhằm giúp các GV tiểu học tương lai có kiến thức nền tảng và kinh nghiệm vững vàng về các kĩ năng này. Các trường tiểu học cần tạo môi trường thân thiện không chỉ trong giờ học chính khóa mà cả ngoài giờ học để các kĩ năng giao tiếp nói chung, GTSP nói riêng luôn diễn ra một cách thường xuyên và thuận lợi. Bản thân đội ngũ GV tiểu học cần tự ý thức và không ngừng tự học, tự rèn trên tinh thần “tự bồi dưỡng” để cập nhật, bổ sung kiến thức, kĩ năng mới về GTSP cho mình; từ đó có sự chủ động, tâm thế tự tin và bảo đảm không bị lạc hậu về kĩ năng GTSP khi lên lớp. 
Ngành GD-ĐT cũng như đội ngũ GV cần có sự nhận thức thấu đáo về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề này; từ đó mà có những chương trình bồi dưỡng thường xuyên với nội dung cụ thể, đi kèm với các biện pháp, giải pháp thiết thực theo tinh thần xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn để trở lại đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng và chủ yếu, đòi hỏi sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, trong sứ mệnh chăm lo một sự nghiệp mang tính “quốc sách hàng đầu”; cũng như được sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của toàn xã hội.
Mai Thị Ngọc Lan
Rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp và GTSP nói riêng đối với đội ngũ GV, nhất là GV tiểu học là một yêu cầu cấp thiết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong xu thế đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay.