Thứ sáu, 2/10/2009, 09h10

Bốn triệu đồng chặn đường vào đại học

Nhà nghèo, anh nhận giấy báo đỗ đại học, em xin nghỉ học để dồn sức cho anh. Nhưng khi đến nhập trường, người anh lại quay về vì không có bốn triệu đồng chi phí nhập trường.

Đó là chuyện của anh em Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thị Hồng ở xóm 9, khu Trại, xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Hai anh em Mạnh - Hồng. Ảnh: Thanh Hoa
Cầm tờ giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cả nhà Mạnh đều vui. Vui hơn khi em gái Nguyễn Thị Hồng cũng thi đỗ lớp 10A3 là lớp chọn Anh - Văn của trường THPT Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi nhìn qua ngó lại mà cha mẹ Mạnh không có tài sản gì đáng giá, ngoài chiếc xe đạp, ngôi nhà và miếng đất. Nhưng nếu bán đất thì ở đâu, vả lại ở huyện miền núi thâm sơn cùng cốc này, có bán cũng chả ai mua. Căn nhà cấp bốn, được xây từ năm 2005 theo chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát trống huơ trống hoác.
Bố Mạnh, ông Nguyễn Văn Sùng năm nay 70 tuổi, còn mẹ cũng gần 50. Cả nhà chỉ trông vào bốn sào ruộng khoán, lại không có nghề phụ, nên kinh tế gia đình rất chật vật.
Hôm sắp đến ngày nhập học, ông Sùng vẫn không kiếm nổi một triệu đồng cho con. Thương bố, Mạnh nói: “Cha cứ yên tâm, nhà mình còn cái sổ hộ nghèo, nên con cứ xuống nhập trường chắc chẳng mất tiền đâu”. Nghe con nói thế, ông Sùng cũng tin.
Ngày nhập học, Mạnh thui thủi một mình. Đến bàn làm thủ tục, cán bộ trường đưa bảng kê chi tiết số tiền phải nộp. Tổng cộng ngót nghét bốn triệu đồng.
Không đủ tiền, Mạnh trình bày gia cảnh, nữ cán bộ trường giải thích: “Đúng là hộ nghèo được miễn học phí, nhưng việc đó còn phải xét sau. Trước mắt em vẫn phải đóng đủ theo quy định”.
Mạnh hỏi về chính sách tín dụng sinh viên, vị cán bộ này nói: “Em muốn vay được tiền thì cũng phải nhập học đã. Chỉ khi là sinh viên của trường mới được trường làm thủ tục xác nhận vay vốn”. Không còn cách nào khác, Mạnh quay về.
Lỡ cả hai
Đi buổi sáng, về buổi chiều. Cả nhà xúm vào hỏi Mạnh. Thế là lỡ cả hai. Em Hồng vì muốn anh được đi học đã nghỉ nửa tháng nay. Nay có đến trường chắc gì đã được nhập học.
Ông Sùng nói: “Chúng tôi cũng đã động viên cháu xuống trường nhập học, nhưng hoàn cảnh không thể tìm đâu ra số tiền cho cháu đóng đầu năm. Làm bố mẹ cũng tủi thân lắm, bởi con đậu đại học rồi mà không cho con đi học, người cha, người mẹ nào mà chẳng xót xa. Nhưng tôi phải làm sao bây giờ?”.
Ông Đinh Quang Ninh, hàng xóm của gia đình Mạnh, chia sẻ: “Hoàn cảnh nhà ông Sùng nghèo quá, nhưng nó là cái nghèo chung của nhiều gia đình trong xóm. Vì thế bà con muốn giúp đỡ hai cháu cũng chỉ biết động viên tinh thần. Giá có nhà hảo tâm nào giúp được thì thật tốt biết bao, vì cả hai đứa nó chăm học và ngoan lắm...”.
Còn em Đinh Công Phượng, bạn thân của Mạnh suốt 12 năm học chung trường, tâm sự: “Chúng em phục bạn Mạnh lắm, hoàn cảnh khó khăn, bạn ấy phải làm việc nhà cùng bố mẹ nhưng vẫn học tốt. Lúc nào bạn ấy cũng đặt ra mục tiêu trước mắt là phải đậu đại học nhưng đậu rồi lại không được đi học. Tiếc lắm”. 
Rời nhà ông Sùng, tôi bị ám ảnh mãi bởi câu nói của Mạnh: “Trở thành sinh viên là mơ ước 12 năm của mình, nhưng biết làm sao được, bây giờ mình sẽ ở nhà giúp bố mẹ. Nếu có điều kiện mình sẽ theo học một nghề nào đó. Chỉ tiếc cho em gái phải bỏ học...”.
Thanh Hoa (TPO)