Thứ hai, 26/8/2013, 14h08

Bữa ăn chuẩn cho học sinh bán trú

Từ năm học 2013-2014, các trường tiểu học sẽ áp dụng thực đơn chuẩn cho học sinh bán trú
Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, hiện nay ở bậc tiểu học có 358/474 trường tổ chức bán trú với trên 213.000 học sinh ăn trưa tại trường. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với nhu cầu từ 1.500 đến 2.100kcal, các em phải ăn 4 bữa/ngày, trong đó có 2 bữa ăn ở trường - bữa trưa và bữa xế. Vấn đề được đặt ra là 2 bữa ăn này có đảm bảo cung cấp 45-50% nhu cầu năng lượng/ngày cho  học sinh?
Dư thịt nên học sinh béo phì
Không giống như mầm non làm cả hai nhiệm vụ nuôi và dạy, ở tiểu học đặt nặng vấn đề dạy. Bởi vậy, bữa ăn dành cho học sinh bán trú ở các trường tiểu học khá đơn điệu. Thực đơn tuy có thay đổi hàng ngày nhưng cũng chỉ quanh đi quẩn lại mấy món như thịt kho, cá chiên, trứng đúc…
Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, việc xây dựng thực đơn bán trú thực sự là một gánh nặng của các trường. Bởi ngoài việc phải cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và thực phẩm giàu vitamin - chất xơ), thực đơn phải phong phú để hấp dẫn học sinh ăn.
Đi thực tế tại một số trường tiểu học tổ chức bán trú, chúng tôi nhận thấy hầu hết các trường chỉ cho học sinh ăn cơm với hai món là món canh và món mặn. Đa số học sinh dù là nam hay nữ thường ăn hai chén cơm, chén thứ nhất thì ăn với thức ăn mặn, chén thứ hai thì ăn canh.
BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nhận định: “Sự phối hợp thức ăn trong mỗi bữa ăn của học sinh chưa hợp lý, chất đạm quá dư thừa, trái lại rau thì quá ít. Và hậu quả là tỷ lệ học sinh dư cân, béo phì ngày càng tăng - năm 2002 chỉ có 19,8% học sinh tiểu học bị béo phì nhưng đến nay tỉ lệ này đã lên đến gần 40%. Mặc dù thừa cân nhưng các em lại đang thiếu vi chất như iốt, sắt, vitamin A…”.
Cũng theo BS. Ngọc Diệp, khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy chỉ có 37,7%  học sinh tiểu học có thói quen ăn rau củ thường xuyên, gần 69% uống sữa thường xuyên. Ngược lại, các em lại rất khoái đồ chiên, thức ăn nhanh và nước có gas, nước ngọt đóng chai.
Thực đơn giảm béo
BS. Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng: “Đối với bữa ăn ở trường của học sinh bán trú, lâu nay các ban ngành chức năng chỉ quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nhưng hiện nay đã hướng tới bữa ăn phải đảm bảo năng lượng, cân bằng dinh dưỡng và phù hợp lứa tuổi của các em”.
Theo đó, thực hiện kế hoạch của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM giai đoạn từ 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM (Sở Y tế TP) phối hợp với Sở GD-ĐT và Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tiến hành triển khai dự án “Bữa ăn học đường”. Và bộ chuẩn thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học đã ra đời với 40 thực đơn chuẩn cho bữa trưa và bữa xế. Các thực đơn này đáp ứng nhu cầu về năng lượng, cân bằng về dinh dưỡng, các món ăn phong phú, đa dạng, dễ chế biến từ các nguồn thực phẩm sẵn có, giá thành hợp lý và dựa trên những khuyến nghị khoa học về dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học.
Thực tế đã chứng minh, với thực đơn chuẩn này đã giúp nhiều học sinh tiểu học giảm cân. Cụ thể như ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Q.11, sau 4 tháng áp dụng thực đơn này, tỷ lệ học sinh béo phì đã giảm được 30% (từ 62 học sinh béo phì xuống còn 41 học sinh). Không chỉ có vậy, việc đưa ra bộ thực đơn chuẩn còn giảm áp lực cho chính những người làm công tác giáo dục. “Trước đây chúng tôi phải định lượng kcal bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Bây giờ, khi có bộ thực đơn này, các trường sẽ biết chuẩn để mang lại cho học sinh bữa ăn đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện”, thầy Phạm Văn Tân - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú thừa nhận.
Bài, ảnh: Minh Anh
BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng: “Một khẩu phần cân đối và hợp lý cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho chuyển hóa cơ bản, tăng trưởng và vận động. Bên cạnh đó, phải đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng: Chất đạm, chất béo, đường bột, vitamin và muối khoáng theo tuổi. Phân bố nhu cầu năng lượng hợp lý ra các bữa sáng (25-30%), trưa (30-40%), tối (25-30%), bữa phụ (5-10%) và đảm bảo tính cân đối giữa các chất đạm - béo - bột đường”.