Thứ sáu, 30/10/2015, 10h28

Buồn cho văn học thiếu nhi

Cần có nhiều hơn tác phẩm văn học Việt  thu hút bạn đọc nhỏ tuổi 

Hiếm hoi tác phẩm mới, sách ngoại tràn ngập trên kệ, sách “nội địa” dần thưa vắng. Đó là một thực tế đáng buồn và rất lo ngại mà ai cũng có thể thấy rõ về mảng văn học thiếu nhi trong những năm gần đây.

Sách ngoại “đè” nội

Có thể thấy rằng, những gian hàng sách thiếu nhi ở các nhà sách hiện nay không hề nhỏ bé về số lượng. Tuy nhiên, tỷ lệ chiếm số đông vẫn là tác phẩm văn học nước ngoài chủ yếu là truyện tranh như Đô rê mon, Bảy viên ngọc rồng, Pokemon, Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh, Cô bé tinh nghịch Asari, Thám tử EiJi... Trong khi đó đầu sách của các tác giả “phe nhà” lại rất khiêm tốn chỉ đứng nép mình sau cái bóng khổng lồ của các bộ sách ngoại. Một số tác phẩm từng đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi những năm trước do NXB Kim Đồng hay NXB Trẻ phát động dù được chủ động làm mới về hình thức nhưng vẫn là “món ăn” xa lạ đối với các em thiếu vì không còn hợp khẩu vị nữa. Nhìn xa hơn một chút về thời gian, nhiều tác phẩm kinh điển của nền văn học nước nhà đã in sâu vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi trong 2 cuộc kháng chiến như Đất rừng phương Nam, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mái trường thân yêu, Đội du kích Thành Huế... cũng rất khó đến tay bạn đọc trong hoàn cảnh bây giờ dù được các NXB đi theo con đường “cách tân” rất mạnh dạn như in thành tuyển tập, làm gọn lại bằng cách lược bỏ nội dung. Sách ngoại có ưu thế hơn khi xuất bản vì luôn là miếng bánh ngon vô cùng béo bở về lợi nhuận. 

Nhiều nhà văn tâm huyết và có nhiều tác phẩm xuất sắc về văn học thiếu nhi như Trần Thanh Địch, Nguyễn Thị Bích Nga, Phan Thị Thanh Nhàn… cũng lặng lẽ rút khỏi văn đàn vì tuổi tác và phong độ. Nhìn tới nhìn lui, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là “lá cờ đầu” trong dòng văn học viết cho lứa tuổi thiếu nhi với những tác phẩm luôn được bạn đọc nhí đón nhận với niềm say mê và hồ hởi. Đứng xếp hàng phía sau là những nhà văn đôi khi viết bằng nghề tay trái nhưng cũng rất thành công như Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Hùng, Nguyên Hương, Thu Trân, Trần Quốc Toàn, Thanh Bình Nguyên... nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cần quan tâm hơn bạn đọc và lực lượng trẻ

Có một câu hỏi được đặt ra là có phải mảng văn học thiếu nhi này từ trước đến nay không được ai quan tâm? Rõ ràng câu trả lời là không mà ngược lại là khác. NXB Kim Đồng và NXB Trẻ vẫn được coi là hai “bà đỡ” lớn nhất của văn học thiếu nhi qua nhiều thế hệ. Thực tế cho thấy, do cung không đáp ứng được cầu nên các đơn vị làm sách cứ đi chệch hướng. Các đầu sách thiếu nhi yếu về chất lượng, phản giáo dục, nhảm nhí... được sinh sôi nảy nở trên thị trường kéo theo thị hiếu thẩm mỹ trượt dài xuống dốc văn hóa đọc. Nhà văn Phạm Trung Thành đã khẳng định: “Do chủ yếu là sản phẩm của nước ngoài nên hầu hết truyện tranh dù được các bạn trẻ ưa thích nhưng lại không hợp với văn hóa bản sắc dân tộc”. Chuyện “đánh trống bỏ dùi” tại các đại hội, hội nghị, trại sáng tác vẫn thường xảy ra đối với mảng sáng tác văn học thiếu nhi mà một số người trong cuộc cũng đã từng biết.

Những cuộc thi, những trại sáng tác vẫn mở cửa hàng năm mà rầm rộ nhất là Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch trong 8 năm qua nhưng số lượng thì nhiều mà chất lượng để được đứng lâu trong lòng bạn đọc thì quá hiếm hoi. Theo nhà thơ Trần Quốc Toàn thì: “Sáng tác cho các em phải quan tâm đến chất lượng để tác phẩm đến gần với bạn đọc, tránh chạy theo chỉ tiêu thành tích”.

Quan tâm tới văn học thiếu nhi nên nhà văn Thu Trân luôn mong mỏi: “Các hội, ban chú ý hơn lực lượng viết trong nhà trường để bồi dưỡng đội ngũ nhà văn trẻ vì đây là nguồn lực dồi dào nhất cho tương lai”. Không thể ngồi chờ cơ hội, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM gợi ý: “Các cuộc thi về sáng tác văn học thiếu nhi cần để lại nhiều dấu ấn để khắc phục tình trạng khan hiếm tác phẩm và tác giả văn học thiếu nhi như hiện nay. Trong cuộc thi sắp tới, không chờ có kết quả mới in sách mà có thể cho ra những tác phẩm có chất lượng để phục vụ sớm cho bạn đọc”.

Bài, ảnh: Quang Phan