Thứ năm, 24/6/2010, 09h06

Các kiểu mồ hôi và sức khỏe

Có khoảng 3 triệu tuyến mồ hôi nằm khắp trên mặt da, tập trung nhiều nhất là ở vùng trán, lòng bàn tay, bàn chân và quanh bụng, lưng. Mồ hôi gồm 98-99% nước, còn lại là các chất vô cơ và hữu cơ ở dạng hòa tan.
Ra mồ hôi là một cách chống nóng rất hiệu quả. Trong môi trường khô ráo ở nhiệt độ khoảng 29oC, người ta bắt đầu đổ mồ hôi. Người lao động nặng nhọc trong môi trường nóng bức có thể tiết ra mỗi giờ đến 2 lít mồ hôi, khiến quần áo ướt đầm đìa như tắm.
Mồ hôi liên quan chặt chẽ đến sinh lý và bệnh lý của cơ thể, có tác dụng điều chỉnh thân nhiệt và thể dịch, bài tiết bảo vệ da khỏi vi khuẩn. Theo đông y, đây là một thứ “tâm dịch” có quan hệ “đồng nguồn, dị lưu” với máu.
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: Shutterstock
Qua các kiểu mồ hôi, ta có thể đoán bệnh để điều trị sớm:
Không có mồ hôi (vô hãn): Đây là do các tuyến mồ hôi ít hoặc không hoạt động. Chứng vô hãn có thể là hệ quả của bệnh vảy cá, xơ cứng bì, hoặc do dị ứng thuốc (như các thuốc ngăn cản thần kinh giao cảm).
Mồ hôi trộm: Là mồ hôi ra lúc ta ngủ say, khi tỉnh dậy có cảm giác mồ hôi không ra nữa. Đông y cho rằng hiện tượng này là do âm hư, thường gặp trong bệnh lao hạch (với triệu chứng mệt mỏi, ho, ăn kém, đau ngực, kinh nguyệt không đều, sốt về chiều, da xanh, thiếu máu). Độc tố của trực khuẩn lao khiến cho thần kinh giao cảm bị hưng phấn quá mức, gây mồ hôi trộm.
Ngoài ra, hiện tượng này còn xuất hiện trong những bệnh nhân sau mổ, phụ nữ sau khi phá thai (do mất máu), cơ thể hư suy và công năng thần kinh thực vật nhất thời bị rối loạn. Tuy nhiên, đây là các hiện tượng sinh lý bình thường.
Tự ra mồ hôi: Việc thường xuyên ra mồ hôi (đặc biệt là sau khi vận động) thường là do mỏi mệt, ốm yếu, sợ lạnh, đông y cho là khí hư gây nên. Người đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe sau khi bệnh nặng, thể chất suy nhược cực độ cũng thường tự ra mồ hôi trong trạng thái yên tĩnh.
Mồ hôi ra nhiều: Đây có thể là dấu hiệu của các chứng bệnh sau: Cường năng tuyến giáp: Tim đập mạnh, ăn nhiều, hưng phấn, dễ cáu giận, mất ngủ, lồi mắt; sốt: sốt cấp tính, sốt rét, sốt cao hôn mê...; hạ đường huyết: chóng mặt, suy nhược, đói lả; bệnh thương hàn: sốt lờ đờ, chán ăn, bụng chướng, lách to, mạch chậm, phát ban; do tác dụng của thuốc: sau khi uống một số thuốc, bệnh nhân bị ra mồ hôi. Sau khi tiếp xúc hoặc uống một số chất độc như lân hữu cơ, chì, thạch tín, cơ thể cũng có thể ra nhiều mồ hôi do trúng độc; công năng thực vật chưa hoàn chỉnh: thường gặp ở tuổi mới lớn
Thoát mồ hôi (đại hãn): Là hiện tượng mồ hôi vã ra như tắm. Đại hãn có thể thấy vào mùa hè, do nội nhiệt quá thịnh hoặc do uống quá liều loại thuốc ra mồ hôi. Những trường hợp này cần được bổ sung nước và muối khoáng ngay để tránh mất nước. Nếu bị thoát mồ hôi nặng, mồ hôi vã ra không ngừng (tuyệt hãn - mồ hôi chết) bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và đưa đến bệnh viện.
Mồ hôi lạnh: Có thể thấy ở những bệnh nhân tâm lực suy kiệt cấp tính, nhồi máu cơ tim, ngất xỉu. Khi ra mồ hôi lạnh, người bệnh thường có mạch nhỏ yếu, sắc mặt trắng bệch. Nếu lúc này thần kinh căng thẳng hoặc bị kích thích thì chân tay sẽ lạnh toát.
Mồ hôi trán: Nếu không kèm theo triệu chứng gì thì đây là hiện tượng bình thường; mồ hôi trán vã ra không ngừng ở người bệnh nặng: Bệnh đang tiến triển xấu đi, phải cảnh giác; một bên trán đột nhiên ra mồ hôi: thường do xơ vữa động mạch, hoặc khoang lồng ngực bị phù (do u) kích thích thần kinh giao cảm.
Mồ hôi ngực: Là mồ hôi ra ở hai bên vú, còn ở các bộ phận khác thì ít hoặc không có. Đó là do bệnh nhân lo nghĩ, kinh hãi, khiến tim, lá lách bị ảnh hưởng quá mức, tim không làm chủ được huyết, tỳ. Mồ hôi ngực cũng có thể thấy ở những người chức năng tim, phổi khác thường.
Mồ hôi tay: Thường do tỳ vị hư nhiệt, thể chất hao tổn hoặc do quá căng thẳng.
Mồ hôi ra lệch: Là hiện tượng mồ hôi ra nửa thân bên trái hoặc phải, trên hoặc dưới. Theo đông y đó là do khí huyết hư lệch, kinh lạc bị tắc trệ hoặc thấp đàm gây nên. Hiện tượng này là dấu hiệu báo trước của trúng phong.
Mồ hôi vàng (hoàng hãn): Là mồ hôi ra có màu vàng, thường gặp khi mồ hôi tiết ra nhiều. Cơ thể bệnh nhân lạnh ướt như tắm do thấp tà đã nhập vào bên trong hoặc hàn thấp tích ở mặt ngoài cơ thể. Mồ hôi vàng kèm theo mùi tanh thường thấy ở bệnh nhân xơ gan.
Mồ hôi hôi (xú hãn): Là mồ hôi có mùi giống như của động vật, màu trắng như sữa, hơi dính, thường ra ở đùi, nách, dưới bầu vú. Mồ hôi có mùi khai, trên da có chất kết dính là triệu chứng của nhiễm độc urca. Trường hợp mùi khó chịu xuất hiện khi mồ hôi ra quá nhiều và khó bay hơi.
Mồ hôi thơm: Mồ hôi có mùi thơm thường thấy ở người bị tiểu đường khi có nhiễm độc aceton.
Hoài Vũ / Thanh Nien