Thứ ba, 21/2/2017, 21h23

Các trường ĐH cần thoát bao cấp

Sáng 21-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối các trường ĐH-CĐ-TC. Cùng tham dự có bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP...

PGS.TS Thái Bá Cần (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) phát biểu tại buổi làm việc

Khó khăn trong đầu tư phát triển cơ sở

Đó là nỗi niềm của nhiều trường ĐH-CĐ-TC. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy khối, PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Văn Lang bức xúc: “Trường có quy hoạch và được cấp đất khi tôi 50 tuổi. Bây giờ tôi đã 72 tuổi mới giải phóng xong mặt bằng. Không biết đến khi tôi chết có xây dựng được trường hay không. Mong đồng chí Bí thư quan tâm làm sao để công lập và dân lập cũng phải có chính sách, hỗ trợ như nhau. Bởi công lập hay dân lập cũng vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho TP và đất nước”.

Bức xúc không kém, TS. Lê Xuân Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết: “Trường được quy hoạch tại Khu ĐH Long Thới (toàn khu có diện tích 151ha), nhà trường đã chuẩn bị 200 tỷ đồng, tương ứng với 10ha. Nhưng đến cuối năm vừa qua, Ban quản lý Khu Nam cho biết có công ty đầu tư hạ tầng vào khu này nên giá thành đã bị đội lên. Vì vậy, với số tiền nhà trường tích lũy được chỉ còn khoảng 4-5ha. Vậy làm sao chúng tôi xây trường, làm sao đáp ứng được tiêu chí xây dựng trường đạt tầm khu vực?”.

PGS.TS Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing khẳng định, trường là 1-15 trường tự chủ tài chính của cả nước, đời sống của cán bộ, giảng viên được nâng lên rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chỉ trông ở nguồn thu học phí thì 100 năm tới không cũng đủ kinh phí để mua đất, xây trường. Vì vậy trường mong được vay vốn mua đất, đầu tư vào trường lớp.

Từ thực tế này, theo PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - để xây dựng các trường ĐH ngày càng tốt hơn, TP nên xây dựng, quy hoạch một khu ĐH mới. Có làm được vậy, chất lượng GD-ĐT mới nâng lên được.

Nâng thu nhập để thu hút người tài

Về chế độ lương cho giáo viên cũng được nhiều đại biểu đặt ra tại cuộc họp. GS.TS Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐSP Mầm non TW tại TP.HCM bày tỏ: “Khối sư phạm là con nhà nghèo nên Chính phủ và TP cần đầu tư, nâng thu nhập cho đội ngũ sư phạm thì mới có thể thu hút được người tài. Do đó, cần cải tạo hệ thống lương căn bản cho khối ngành sư phạm”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP - cho biết: “Dù trường đã tròn 60 tuổi nhưng chắc chắn sẽ “bám lấy bầu sữa mẹ (ngân sách) đến rụng răng” cũng không buông vì tính đặc thù. Một thực tế đã được bàn nhiều về vấn đề lương cho giảng viên và giáo viên từ bậc MN tới ĐHSP nhưng mãi không có lối ra”.

Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh cần dẩy mạnh tự chủ nhưng phải đảm bảo định hướng XHCN. TP phải rà soát lại việc trường nào đủ điều kiện, mức độ hỗ trợ để triển khai tự chủ tài chính và mức hỗ trợ vì không phải trường nào cũng nhận một mức hỗ trợ chung.

Đồng thời ông cũng thừa nhận những thiếu sót vì TP giải quyết chưa kịp thời, chưa hiệu quả do  nguồn lực của TP còn giới hạn nhưng không vì thế mà không ưu tiên đầu tư cho GD-ĐT. Theo đó, ông khẳng định TP sẽ sớm công khai công bố các khu quy hoạch cho các trường, khẩn trương giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho các trường với chủ trương, cơ chế thông thoáng.

“Chúng ta phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cơ chế bao cấp. Trong thời gian tới, TP phải công khai quỹ hỗ trợ cho vay, thời gian, điều kiện để các trường nắm rõ. Hỗ trợ các trường trong vấn đề hội nhập. Thủ tục cải cách hành chính phải được vận dụng một cách linh hoạt để thu hút được Việt kiều tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại các trường”, ông Thăng nói.

Lê Quang Huy