Thứ ba, 23/5/2017, 19h50

Các trường trung cấp y dược loay hoay gỡ khó

Sáng 23-5, tại Hà Nội, các trường trung cấp y dược (TCYD) Hà Nội đã tổ chức hội thảo định hướng cho các trường TCYD. Hội thảo có sự tham gia của nhiều trường TCYD tại Hà Nội và TP.HCM. Những vấn đề khó khăn của các trường TCYD hiện nay khi chuyển đơn vị quản lý Nhà nước cùng với quy định tại Thông tư 26 của liên Bộ Nội vụ, Y tế đã được đưa ra bàn thảo.

Các trường TC muốn lên CĐ

Theo GS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chương trình đào tạo của các trường TCYD trước mắt giữ như cũ. Nếu chương trình mới làm ra chưa được Bộ Y tế thẩm định thì không có giá trị pháp lý. Thực hiện đổi mới, có 3 vấn đề cần phải làm đó là: Đổi mới chương trình đào tạo; Nội dung đổi mới; Hướng về cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. “Trước đây,  chúng ta chủ yếu đào tạo kỹ thuật y, vấn đề hướng đến cộng đồng có được đề cập đến nhưng chưa đầy đủ. Giờ phải chú trọng đến vấn đề này”, GS. Lê Ngọc trọng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, GS. Lê Ngọc Trọng cũng cho biết, hiện các trường TCYD đang muốn được chuyển lên thành CĐ. Vì hiện nay, các trường đang có một số khó khăn. Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 26 của liên Bộ Y tế và Nội vụ cho biết sẽ không tuyển dụng TC điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, kỹ thuật viên. Thứ hai là hội nhập quốc tế. Trong cơ cấu nghề của ASEAN không công nhận trình độ nghề đào tạo 2 năm.

GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng đào tạo TCYD phải là 3 năm, không có nước nào đào tạo 2 năm cả. Nên ông đề nghị học với thời gian 3 năm là phù hợp, vì vậy đưa các trường TCYD lên CĐ là chính đáng.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Lương Đống cho rằng, với quy định cứng như hiện nay (phải có 5ha đất và 100 tỷ vốn) thì các trường TCYD rất khó lên CĐ. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Minh, Trường TCYD Tuệ Tĩnh cho rằng quy định này là một điều thách đố đối với những trường TC y tế. “Thông tư 26 đã khiến chúng tôi không tuyển sinh được 2 năm qua. Do đó, nên mềm hóa về các tiêu chuẩn định hướng. Thực tế, nếu các trường có lập thành cụm thì cũng rất khó để lên CĐ vì vẫn không đủ đất và tài chính”, ông Minh cho hay.

Các trường nên thiết kế một chương trình dùng chung

Một vấn đề mà các trường quan tâm là quy định chuyển từ học trình sang tín chỉ theo quy định có khó khăn nên các trường đề xuất cần phải có thời gian.

GS.TS Vũ Đức Mối, Hiệu trưởng Trường TCYD Hà Nội cho rằng nghề y là một nghề đặc thù. Đó là nghề mà đối tượng phục vụ chính là con người. Do đó, để được học lâm sàng phải qua giai đoạn giải phẫu. Vậy nếu cho người học đăng ký theo tín chỉ thì sẽ rất khó vì ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nếu đã quy định thì các trường sẽ vẫn phải thực hiện.

Một vấn đề khác mà các trường quan tâm đó là cấp bằng và liên thông. Nhiều trường đề xuất nên cho phép có hai con dấu trong giai đoạn quá độ chuyển từ Bộ GD-ĐT quản lý sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Đồng thời, vấn đề liên thông sẽ gặp khó khăn vì các trường không biết thực hiện như thế nào.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Như Nghệ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng, phôi bằng của Bộ GD-ĐT không ảnh hưởng đến con dấu, vì đó là bình thường. Vấn đề là thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước nên phải thay đổi con dấu. “Không có chuyện một cơ quan chủ quản mà có hai con dấu. Hơn nữa, từ trước đến nay các trường ĐH không thuộc Bộ GD-ĐT vẫn lấy phôi bằng của bộ, có vấn đề gì đâu”, ông Nghệ nói. Cũng theo ông Nghệ, việc các trường TC, CĐ về Bộ LĐ-TB&XH không ảnh hưởng đến liên thông. Từ trước đến giờ thực hiện như thế nào thì nay vẫn thực hiện như thế nấy.

Đối với chương trình đào tạo, Thủ tướng đã ban hành khung trình độ quốc gia, các hệ đào tạo được quy về tín chỉ. Nhưng chuyển đổi sang tín chỉ không dễ, nhiều trường ĐH cũng gặp khó khăn trong chuyển đổi nên các trường TC chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, sẽ vẫn phải làm vì để đảm bảo tính liên thông trong toàn hệ thống. Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Lợi đề xuất cần có lộ trình chuyển đổi chương trình đào tạo. Đào tạo theo tín chỉ ở lĩnh vực khác đã làm nhiều, y tế có khó khăn nhất định. “Cá nhân tôi nhận định, thầy cô ngồi đây chưa có nhiều kinh nghiệm để thiết kế chương trình theo tín chỉ, nhưng nguyên tắc pháp lý đã ban hành thì phải thực hiện”, ông Lợi nhấn mạnh.

Về thiết kế chương trình theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, ông Lợi cho rằng: “Đào tạo y tế ở một số lĩnh vực chúng ta thua Lào và Campuchia. Vì sao các trường không ngồi với nhau để thiết kế một chương trình dùng chung. Như thế sẽ tốt và tiết kiệm. Có vẻ như các trường vẫn còn đang “giữ miếng”, khi gặp khó khăn mới ngồi với nhau, còn khi triển khai, trường nào lại về làm riêng của trường đó”.

Thiên Lam