Thứ năm, 20/10/2016, 22h12

Cách nào để truyện tranh Việt không bị “lấn át”?

Những năm gần đây, truyện tranh Việt Nam đang có những bước phát triển nhất định, dần khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng độc giả nước nhà.

Độc giả nhí say sưa đọc truyện tranh tại Hội sách TP.HCM 2016

Mảnh đất màu mỡ

Tại các nhà sách, hội sách, truyện tranh luôn thu hút một lượng độc giả đông đảo, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi. Năm 1992, bộ truyện Doraemon của Nhật Bản được NXB Kim Đồng mua bản quyền và ra mắt độc giả Việt Nam. Đây trở thành một dấu mốc đặc biệt của ngành xuất bản trong nước khi bộ truyện này trở thành “cơn sốt”, thu hút nhiều độc giả say mê truyện tranh. Hiện nay, bộ truyện Doraemon vẫn là một trong những đầu sách có doanh thu cao nhất của NXB Kim Đồng. Ngoài ra, có thể kể đến những bộ truyện tranh nước ngoài từng “làm mưa làm gió” trên thị trường truyện tranh Việt Nam như: Thám tử Conan, Shin cậu bé bút chì... Cho đến thời điểm này, đây vẫn là những bộ truyện tranh luôn được đặt ở những vị trí bắt mắt trên các giá sách tại nhiều nhà sách. Một thực tế không thể phủ nhận là cán cân thương mại của thị trường truyện tranh Việt Nam từng có sự chênh lệch quá lớn khi nghiêng về truyện tranh nhập ngoại.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, thị trường truyện tranh tại Việt Nam có nhiều sự thay đổi lớn. Năm 2016, bộ Truyền thuyết Long thần tướng của cặp đôi tác giả Thành Phong - Khánh Dương đã giành giải bạc tại Cuộc thi international MANGA Award lần thứ 9. Đây được xem như là một tín hiệu vui cho cộng đồng truyện tranh Việt. Chỉ sau khi ra mắt một thời gian ngắn, bộ truyện này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả. Với tâm huyết, sự chỉn chu của những người trẻ dành cho dòng truyện tranh Việt Nam, những người làm nên Truyền thuyết Long thần tướng đã khơi gợi tinh thần yêu nước và tận dụng tốt yếu tố mạng xã hội để chuyển tải thông điệp tác phẩm của mình. Theo anh Nguyễn Khánh Dương, đại diện nhóm tác giả Long thần tướng và cũng là người sáng lập Công ty truyện tranh Comicola: “Thị trường truyện tranh Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, và nhu cầu đọc của độc giả là rất lớn. Do trải qua quá trình 10 năm không phát triển, số lượng đầu sách không tung ra nhiều, nên chúng ta có cảm giác thị trường bị thu nhỏ lại. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở thị trường truyện tranh Việt Nam, hơn thế nữa, nhìn thấy chất lượng họa sĩ đã được nâng cấp đáng kể”. Cũng trong năm 2016, Đình Lân - tác giả của Project Icon cũng đạt được giải nhì của cuộc thi Silent Manga và cũng được mời sang Nhật Bản giao lưu, nhận giải thưởng. Những người trẻ như Nguyễn Khánh Dương, Đình Lân... đang vẽ nên những gam màu sáng cho bức tranh thị trường truyện tranh Việt Nam hiện nay.

Còn đó những khó khăn

Để truyện tranh Việt có sự khởi sắc mạnh mẽ và không bị “lấn át” bởi truyện tranh ngoại nhập ngay trên thị trường trong nước vẫn còn là một bài toán khó. Nhiều nhóm tác giả trẻ say mê, tâm huyết với dòng truyện tranh thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn hay khâu xuất bản, phát hành. Những cây bút trẻ có cơ hội được thỏa sức sáng tạo, sáng tác nên những bộ truyện tranh mang đậm màu sắc Việt sẽ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Thị trường truyện tranh vốn được đánh giá là rất tiềm năng nhưng suốt những năm dài, các NXB trong nước vẫn phải vật lộn để theo đuổi mảng ấn phẩm này. Không ít phụ huynh từng than thở, lo lắng trước những bộ truyện tranh kém chất lượng, thiếu tính văn hóa, giáo dục mà nặng về thương mại. Nhiều bộ truyện tranh có các yếu tố tình dục, bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục từng lưu hành trên thị trường sách Việt Nam. Điều đó cho thấy con đường loay hoay, thiếu sự quản lý chặt chẽ nên mới dẫn đến việc các ấn bản truyện tranh được khai thác một cách tràn lan, thiếu sự chọn lọc.

Trong những bước đầu phát triển của thị trường truyện tranh Việt Nam, sự nỗ lực của nhiều đơn vị xuất bản tư nhân như NXB Trẻ và Kim Đồng, TVM Comic, Skybook, Đông Á... đã góp phần không nhỏ làm thị trường truyện tranh tại Việt Nam có sự đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh đó, những người trẻ làm truyện tranh đã tìm được những lối đi cho riêng mình bằng những thử nghiệm mới. Việc tái hiện lịch sử Việt Nam qua những hình vẽ, những chi tiết dựa trên lịch sử có thật của dân tộc được đánh giá là đề tài khó thu hút, đòi hỏi nhiều công sức để tập trung thể hiện. Thế nhưng, dòng truyện tranh lịch sử ngỡ như là một sự mạo hiểm nhưng khi ra mắt độc giả lại được quan tâm, đón nhận.

Tuy nhiên, để truyện tranh Việt có sự khởi sắc mạnh mẽ và không bị “lấn át” bởi truyện tranh ngoại nhập ngay trên thị trường trong nước vẫn còn là một bài toán khó. Nhiều nhóm tác giả trẻ say mê, tâm huyết với dòng truyện tranh thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn hay khâu xuất bản, phát hành. Những cây bút trẻ có cơ hội được thỏa sức sáng tạo, sáng tác nên những bộ truyện tranh mang đậm màu sắc Việt sẽ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Bài, ảnh: Thục Quyên