Thứ ba, 10/7/2012, 19h07

Cách ứng phó khi con nhu nhược

Được cha mẹ rèn sự tự lập, sau này trẻ sẽ không bị suy sụp trước những thất bại (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Có một nỗi băn khoăn hiện đang làm nhiều phụ huynh “đau đầu” trong giáo dục con cái là không hiểu sao con mình thường cảm thấy tự ti, chán nản và lo lắng mỗi khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, dù luôn được gia đình quan tâm chu đáo? Những công việc rất nhỏ có khi các cháu cũng không thể tự làm được, và sau mỗi lần thất bại cháu coi như điều “tệ hại”, dẫn đến sợ hãi, không dám đối mặt với khó khăn, trở ngại sau này.
Cho con được mắc sai lầm
Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu với 50 phụ huynh ở Long Khánh (Đồng Nai) để tìm hiểu về khả năng chấp nhận thất bại trong công việc gia đình của trẻ ở độ tuổi 10-12. Kết quả thu được như sau: 45% cha mẹ cho rằng, con cái của họ hay lo lắng, bất mãn khi đối mặt với thất bại của một công việc, vì thế các cháu thường từ chối công việc sau này; 55% cha mẹ cho rằng, con họ không biết chịu đựng và chấp nhận sai lầm của bản thân. Đây chỉ là một cuộc điều tra nhỏ nhưng kết quả cũng đáng để suy ngẫm.
Theo lý luận phân tâm học, thời thơ ấu có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành đặc điểm tâm lý cá nhân, quyết định những nét tính cách riêng biệt, tạo ra cho mỗi đứa trẻ những kiểu nhân cách khác nhau. Theo luận thuyết này, những đứa trẻ thời ấu thơ được cha mẹ rèn sự tự lập, được trải nghiệm các sai lầm, sau này sẽ thích ứng với những thất bại, gian khổ tốt hơn, đồng thời cũng hình thành tính kiên cường, dũng cảm, biết vượt qua những trở ngại để vươn lên. Ngược lại, những đứa trẻ trong các năm đầu đời được chăm bẵm, bao bọc quá mức, không bao giờ gặp khó khăn để tự giải quyết hoặc được cha mẹ gieo vào đầu quan niệm “không được thất bại” sẽ hình thành thói quen dựa dẫm, ủy mị, mất niềm tin, mất dũng khí, không có khả năng tự đề kháng cũng như độc lập giải quyết vấn đề trước những thử thách của môi trường xung quanh. Như vậy, trẻ dễ hình thành tính nhu nhược, yếu đuối khi trưởng thành.
Cháu Hoài An (11 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai), thổ lộ: “Cháu rất sợ thất bại trong công việc. Cháu chỉ giải sai bài toán, ba mẹ đã mắng té tát rồi. Ngay cả những việc nhà, giúp đỡ gia đình như rửa chén đũa, quét nhà… hễ chưa đạt yêu cầu là mẹ đã phạt cháu nhịn ăn một bữa. Có lần mẹ bảo: “Con làm không bằng mẹ làm gắng”, khiến cháu không dám làm nữa!”. Còn cháu Thế Phong (12 tuổi, ở TP.HCM) tâm sự: “Ba mẹ chưa bao giờ khen ngợi khi cháu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cháu làm việc gì cũng phải e dè, lo ngại ba mẹ sẽ chê bai như những lần trước. Gia đình thường rất lo lắng, không yên tâm mỗi khi giao cho cháu một nhiệm vụ nào đó. Vì thế, khi tiến hành công việc cháu cứ cảm thấy chán nản, không tự tin vào bản thân. Kết quả là, cháu lại thường gặp thất bại. Cháu không biết làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này”.
Có thể nói, những đứa trẻ sinh ra không có sẵn tính nhu nhược mà đó là hậu quả từ sự giáo dục sai lầm của người lớn. Không ít phụ huynh cố tạo điều kiện, môi trường sống thuận lợi một cách tối đa cho con học tập mà quên hình thành những thói quen tự rèn luyện, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, tăng khả năng đề kháng... dẫn đến sự nhu nhược, nhút nhát của con trẻ.
Khích lệ con kịp thời
Theo các chuyên gia tâm lý, muốn giúp trẻ thoát khỏi sự nhu nhược, mềm yếu để trở thành những con người thực sự bản lĩnh, dám đối mặt với khó khăn, thử thách thì từ những năm đầu đời, cha mẹ phải chú ý để đối xử với con theo các “nguyên tắc” sau:
Trước hết, các bậc phụ huynh cần nhận thức rằng việc rèn luyện cho trẻ vượt qua khó khăn ngay từ những năm đầu đời là việc làm rất cần thiết. Cho con trải nghiệm thất bại không có nghĩa là phó mặc, khoán trắng cho con. Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ thường xuyên giải quyết một cách độc lập những công việc phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, năng lực (chẳng hạn trẻ bốn tuổi có thể tập tự lấy tăm, tự cầm bát ăn cơm, tự lau mặt, tự mặc áo quần...) và theo dõi để hỗ trợ khi cần.
Nâng cao dần khả năng thích ứng với những khó khăn từ thấp lên cao, từ dễ đến khó để trẻ có thể tự giải quyết bằng khả năng của mình, không nên giao việc quá khó, quá sức, có thể làm trẻ nhụt chí, mất hứng, chán nản và bất mãn với cuộc sống. Giáo dục con hợp lý là cha mẹ phải giúp cho con mình nhận ra đã sai ở đâu, vì sao lại sai và bắt đầu lại từ đâu.
Trong các mối quan hệ của trẻ, cha mẹ nên đối xử công bằng, tránh để trẻ dựa dẫm, ỷ lại vào người lớn. Tổ chức cho trẻ tự giải quyết các công việc, tạo hứng thú thi đua (ví dụ cùng thi ai làm xong việc xếp hình khối trước, ai quét nhà sạch hơn). Thường xuyên động viên khen thưởng khi trẻ có những thành tích đáng kể, để kích thích trẻ phấn đấu và tiếp tục tham gia vào công việc mới. Bên cạnh khen thưởng cũng kèm theo “xử phạt” khi trẻ phạm lỗi, nên nghiêm khắc, đừng vì yêu thương mà nuông chiều.
Tập cho trẻ làm quen với những thất bại và cùng trẻ tìm cách khắc phục hậu quả của những sai lầm mà trẻ mắc phải. Đây cũng là một nguyên tắc rất cần thiết mà nhiều phụ huynh ít quan tâm. Dường như nhiều phụ huynh chỉ quan tâm xem con của họ làm được gì mà ít quan tâm con họ thất bại như thế nào, vì sao lại thất bại và cần khắc phục ra sao? Thật ra, vấn đề này là nội dung quan trọng trong việc rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho trẻ để trở thành những người thực sự có ích cho xã hội.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)