Thứ ba, 23/8/2016, 21h33

Cải lương cũng cần làm mới!

Giữa sự phát triển rầm rộ của hàng loạt chương trình giải trí cho giới trẻ, những chương trình tìm kiếm tài năng cho sân khấu cải lương là chút ánh sáng le lói. Tuy nhiên, một số sân chơi đã làm khán giả thất vọng vì sự đơn điệu, ít sắc màu.

Các thí sinh tham gia “Chuông vàng vọng cổ” 2016

Gian nan tìm “vàng”

“Chuông vàng vọng cổ” là một trong những chương trình được khán giả kỳ vọng, mong chờ tìm kiếm những gương mặt mới cho sân khấu cải lương. Thế nhưng, những năm gần đây, khán giả đã dần có sự thất vọng khi chương trình ngày càng đi vào lối mòn cũ kỹ.

NSND Bạch Tuyết cho biết: “Bản thân hai từ cải lương đã cho thấy là phải luôn luôn đổi mới, cải tiến. Làm mới sân khấu cải lương trong điều kiện hiện nay là điều hết sức khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Sự đầu tư, cải tiến để cuộc thi tìm kiếm tài năng cho sân khấu cải lương hằng năm hấp dẫn hơn là việc làm cấp bách để gìn giữ, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống trong đời sống thực tiễn. Điều này phụ thuộc vào tâm và tầm của những người thực hiện chương trình…”.

 

“Chuông vàng vọng cổ” lần thứ XI - 2016 với sự tham gia của 316 thí sinh đến từ cả nước. Con số này quả thật rất khiêm tốn so với nhiều chương trình tìm kiếm tài năng cho làng giải trí hiện nay. Trong 316 thí sinh của nhiều vùng miền tham gia cuộc thi năm nay, 40 thí sinh được chọn vào vòng tuyển chọn sẽ tranh tài trong 4 đêm thi diễn ra tại Nhà hát Truyền hình HTV. Khác với mọi năm, mùa giải năm nay không tổ chức chung kết tại các khu vực. Trong vòng tuyển chọn, Ban giám khảo sẽ chọn mỗi đêm 3 thí sinh. Các thí sinh được chọn sau mỗi đêm sẽ bước vào tranh tài ở vòng chung kết xếp hạng diễn ra vào tháng 9-2016. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn thực hiện cuộc thi “Vọng cổ online” để các thí sinh nhiều lứa tuổi, yêu thích bài ca cổ có thể tham gia. Sau mỗi năm, “Chuông vàng vọng cổ” đã có một số sự đổi mới nhưng xét một cách khách quan, chương trình này vẫn chưa thật sự có sự đột phá nào để đáp ứng được lòng mong đợi của khán giả.

Nhiều khán giả đã từng thở dài ngao ngán khi “Chuông vàng vọng cổ” là cuộc thi tìm kiếm các tài năng trẻ nhưng sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi để “hỗ trợ” các thí sinh đã làm những người trẻ chưa thật sự được tỏa sáng trên sân khấu. Về lâu dài, cách làm này của Ban tổ chức đã vô tình khiến các “chuông” khó trở thành một nghệ sĩ thực thụ.

Trong khi đó, cũng là sân chơi dành cho sân khấu cải lương nhưng “Sao nối ngôi” lại thu hút nhiều khán giả hơn, đặc biệt là khán giả trẻ. Đây là cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ là con cháu những nghệ sĩ nổi tiếng theo đuổi cái nghiệp làm nghệ sĩ của gia đình. Lần đầu tiên xuất hiện một chương trình truyền hình thực tế dành cho hậu duệ những nghệ sĩ nổi tiếng cùng nhau thể hiện tài năng nên “Sao nối ngôi” đã mang màu sắc mới lạ đến cho người xem. Mỗi phần thi của thí sinh sẽ được dàn dựng công phu, kết hợp nhiều thể loại như tân nhạc, cổ nhạc, cải lương, kịch nói, nhảy múa, hội họa… Các thí sinh sẽ được các nghệ sĩ tiền bối trong gia đình trợ giúp, thi thố cùng ở một số buổi diễn. Chính sự mới mẻ, đa sắc màu trong “Sao nối ngôi” như một làn gió mới, đem đến sự thích thú cho khán giả.

Cần sự cải tiến

Ngoài “Chuông vàng vọng cổ”, “Ngân mãi chuông vàng”, hiện có những chương trình truyền hình thực tế khác dành cho đờn ca tài tử - cải lương như “Hò xự xang xê cống”, “Hạt ngọc mùa vàng”, “Tài tử tranh tài”. “Thử thách người nổi tiếng”, “Sao nối ngôi”… Tất cả chương trình đều đang cố tạo ra những hình thức thi khác với những cuộc thi cải lương trước đây để thu hút công chúng.

Không thể phủ nhận cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” trong nhiều năm qua đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu cải lương, ca cổ. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của những người thực hiện chương trình khi mong muốn tìm kiếm “vàng” trên khắp mọi miền đất nước cho sân khấu cải lương. Tuy nhiên, có lẽ vì đến hẹn phải lên sóng mà “Chuông vàng vọng cổ” dần đánh mất thiện cảm trong mắt nhiều người yêu thích nghệ thuật cải lương. Việc tìm kiếm gương mặt “vàng” cho cuộc thi ý nghĩa này cũng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Trong chương trình Ngân mãi chuông vàng, một số vở cải lương đã gắn liền với tên tuổi của những nghệ sĩ gạo cội nhưng vẫn liên tục được nhiều thí sinh thể hiện lại. Đây là điều hết sức khó khăn cho những giọng ca trẻ. Họ khó thể hiện nét riêng, bản sắc của chính mình. Vì thế, đất diễn của họ cũng bị hạn chế hơn.

Bên cạnh đó, trong “Chuông vàng vọng cổ”, kiểu thi theo chủ đề bài ca và đóng những trích đoạn xem ra đã có phần lặp lại. Có những đêm diễn thí sinh nào cũng ra diễn những số phận giống nhau như cô gái nghèo, chung thủy chờ đợi… khiến chương trình diễn ra đều đều một cách đơn điệu, ít thu hút khán giả. Ngoài ra, một điều dễ nhận thấy là nhiều cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” đã dần biến thành sân chơi đăng quang cho các diễn viên chuyên nghiệp chưa thành danh của các đoàn cải lương các tỉnh. Điều đó làm giảm sức lan tỏa và tác động đến với công chúng.

Ngoài “Chuông vàng vọng cổ”, “Ngân mãi chuông vàng”, hiện có những chương trình truyền hình thực tế khác dành cho đờn ca tài tử - cải lương như “Hò xự xang xê cống”, “Hạt ngọc mùa vàng”, “Tài tử tranh tài”. “Thử thách người nổi tiếng”, “Sao nối ngôi”… Tất cả chương trình đều đang cố tạo ra những hình thức thi khác với những cuộc thi cải lương trước đây để thu hút công chúng.

Bài, ảnh: Yên Hà