Thứ ba, 23/8/2016, 20h43

Cấm dạy thêm học thêm trong trường: Đừng vì quản không được mà cấm

Đó là ý kiến chung của nhiều cán bộ quản lý giáo dục tại buổi khảo sát về dạy thêm học thêm của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM trong hai ngày 22 và 23-8 tại Q.1, Q.Gò Vấp và Q.3.

Thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng, Q.3 phát biểu. Ảnh: D.B

Nhu cầu có thực tại sao lại cấm?

Tại các buổi làm việc, nhiều hiệu trưởng, đại biểu khẳng định chương trình THCS hiện hành rất nặng, đặc biệt là ở lớp 9 khiến nhu cầu học thêm là có thật.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Q.Gò Vấp thẳng thắn: “Chương trình hiện hành quá tải, giáo viên không thể truyền đạt tốt các kiến thức trên lớp. Nếu HS ra ngoài trường học thêm để rèn luyện thêm thì còn nhiều vấn đề quan ngại lắm”.

Đồng tình với ý kiến này, cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.1 đưa ra thí dụ: “Ở lớp 9, HS chỉ học tiếng Anh 2 tiết/tuần, nếu không học thêm thì khó chuyển tải được hết nội dung để thi vào lớp 10. Các bộ môn khác, giáo viên chỉ có thời gian để cung cấp kiến thức bài mới, còn rèn luyện thêm là rất khó. Các em còn phải học nhiều kiến thức để thi vào lớp 10”.

Cô Sương cho biết thêm: “Như tôi đây, dù là hiệu trưởng nhưng vẫn cho con đi học thêm. Chắc chắn tôi không phải sợ con bị trù dập. Tôi vẫn cho con đi học thêm vì dù học lực con không quá yếu nhưng vẫn còn nội dung chưa đạt, phải học thêm mới bù đắp vào được”.

Tiểu học không còn đánh giá bằng điểm số nhưng việc học thêm vẫn là nhu cầu của phụ huynh. Ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, nói: “Nhu cầu học thêm có thật ở quận, phụ huynh cũng mong muốn. Tiểu học học 2 buổi/ngày, HS ra về ca 1 là 4 giờ chiều, ca 2 là 4 giờ 15 chiều trong khi phần lớn phụ huynh là công nhân viên chức không thể đón, phải nhờ giáo viên trông. Từ đó, phát sinh việc nhà trường tổ chức cho thầy, cô dạy môn thể thao yêu thích hoặc ngồi tại lớp chuẩn bị bài học ngày mai, làm bài trong buổi chiều chưa hoàn thành…”.

Khó quản lý nội dung dạy thêm bên ngoài

“Dạy thêm ở ngoài nhà trường có hai hình thức, một là giáo viên dạy ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hai là tự tổ chức thuê mướn mặt bằng để giảng dạy. Một số trung tâm khẳng định được thương hiệu nhưng vẫn còn nhiều trung tâm chưa kiểm soát được chất lượng. Lớp dạy thêm do giáo viên tự tổ chức ở ngoài nhà trường thì nhà trường quản lý những lớp này chủ yếu qua phiếu kê khai, giáo viên không đăng ký thì không thể ép buộc…”, cô Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, Q.1 lo lắng.

 “Để HS học thêm bên ngoài thì không quản lý được nội dung chương trình, học phí, an toàn. Nếu tổ chức ở trường thì hiệu trưởng quản lý được giáo viên, nội dung dạy, điều kiện cơ sở vật chất, học phí rõ ràng…”, ông Dũng (Q.3) nói.

Từ những vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng, Q.3, cho rằng: “Chúng ta nên tính phương án quản lý làm sao cho tốt chứ đừng vì quản không được mà cấm. Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền mà giáo viên không thể sống bằng nghề của mình?”.

Ông Dũng kiến nghị nên để dạy thêm trong nhà trường. Vấn đề là tổ chức quản lý làm sao cho đạt hiệu quả chứ không phải “cấm chỗ này mọc chỗ kia”. Còn để dứt điểm dạy thêm học thêm, ông Dũng cho rằng cần cải cách chuyện thi cử, cải cách chương trình, quan trọng nhất là lương của giáo viên phải đảm bảo được.

Sau các buổi khảo sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP nhấn mạnh: “Chủ trương là chấm dứt dạy thêm học thêm trong nhà trường, cấp trên chỉ đạo thì cấp dưới phải chấp hành. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của cử tri để có thể điều chỉnh lại theo lộ trình từng bước, từng năm cho phù hợp chứ không đột ngột”.

Dương Bình