Thứ tư, 31/8/2016, 14h18

Cấm dạy thêm- tức là thầy cô làm sai hay sao?

“Dạy thêm- học thêm (DTHT), về cơ bản có hai dạng đó là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh (PHHS) và giáo viên, đây là dạng chiếm đa số. Còn dạng thứ hai là không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của PHHS, đây là hiện tượng DTHT biến tướng. Thực tế này là có, tuy nhiên chiếm tỷ lệ không cao (dưới 10%)”.

Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP TS. Lê Hồng Sơn cho biết Sở đề ra 5 giải pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm- học thêm

Đó là chia sẻ ngắn gọn của TS. Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD-ĐT với Ban văn hóa- xã hội, HĐND TP trong buổi giám sát của Ban về thực hiện chỉ đạo của Thành ủy cấm DTHT, ngày 31-8.

230.000 học sinh tham gia học thêm

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP báo cáo với Đoàn giám sát

Theo báo cáo của Sở GD-DT TP, hiện nay, TP có khoảng 100.000 HS tiểu học có HT văn hóa ngoài giờ (chiếm 20%), khoảng 190.000 HS THCS-THPT đang HT tại các cơ sở DT trong nhà trường và 30.000 HS tham gia học tại các cơ sở DT ngoài nhà trường, chủ yếu là các môn Toán, Lý, Hóa.

Thời gian qua, Sở đã cấp phép cho 82 đơn vị trường THPT, TTGDTX DT trong nhà trường với 80.000 HS. Có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép DT ngoài nhà trường. UBND các quận- huyện cũng cấp phép cho 106 đơn vị THCS DT trong nhà trường với khoảng 110.000 HS; cấp phép cho 47 cá nhân  và tổ chức DT ngoài trường với khoảng 10.000 HS.  TP không cấp phép DT cho khối tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Theo khảo sát trên, thì chỉ có khoảng 1/3 HS đang HT, con số này không cao vì phần lớn còn lại các em vẫn tự học hoặc tham gia bồi dưỡng. Nguyên nhân DTHT có hai dạng: Thứ nhất do xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS để đáp ứng yêu cầu thi cử và nâng cao kiến thức, số này chiếm đa số. Một phần do phụ huynh HS lo thi cử cuối các cấp như tuyển sinh lớp 10 và cuối lớp 12 để vào được các trường như mong muốn. Hơn nữa, đề thi THPT Quốc gia hiện nay phân hóa quá nặng, kiểm tra kiến thức hơn theo hướng phát triển kỹ năng khiến HS buộc phải HT. Thêm vào đó, sĩ số HS hiện nay rất lớn, một GV tâm huyết, giỏi cỡ mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em và cho các em tập luyện được. Thứ hai là do biến tướng từ DT, xuất phát từ một số tiêu cực như o ép  HS.... nhưng số này chỉ chiếm khoảng 10%. Thời gian qua, Sở và các trường đã cố gắng xử lý và hạn chế vấn đề tiêu cực này. Như năm qua, Sở kiểm tra tại 14 đơn vị và kiên quyết xử lý ở mức cao nhất nếu có phát hiện vi phạm.

Theo ông Hiếu, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo bằng nhiều văn bản nhắc nhở các cơ sở GD thực hiện nghiêm các quy định về việc cấm DT, đề nghị các đơn vị làm tốt công tác tư tưởng đến GV, PHHS. Sở cũng chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trường học, chấm dứt việc cho thuê mướn cơ sở của trường để DT. Hiện Sở đã nhận được rất nhiều yêu cầu cấp phép DT bên ngoài nhà trường, sắp tới Sở sẽ kiểm tra, đảm bảo điều kiện mọi mặt mới cấp phép chứ không phải, muốn cấp phép là được.

Đánh giá cao báo cáo của Sở về việc DTHT, ông Trần Văn Công- Phó ban VH-XH, của UBMTTQTP, thành viên đoàn giám sát khẳng định, rất đồng ý với hai lý do chính mà báo cáo của sở GD nêu ra về tình trạng DTHT. Bên cạnh đó, ông Công cũng cho rằng việc Thành ủy chỉ đạo cấm DTHT từ năm học 2016-2017 là rất đúng. Tuy nhiên, qua ý kiến của dư luận xã hội, PHHS cũng rất bức xúc vì việc con em họ phải đi HTDT.

Ông Nguyễn Mạnh Trí- Giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch- Đại biểu HĐND TP, thành viên Ban cho rằng “phải làm có lộ trình và GV phải tâm phục thì mới chấm dứt được việc DTHT

Còn bà Trần Phương Hoa- Thành viên Ban VH-XH, HĐNDTP nêu thực tế: “Một số không nhỏ PH, thấy HS trong lớp của con mình đi học thầy cô giáo chủ nhiệm đông nên sợ con mình không được “công bằng” trong đánh giá nhận xét, cũng phải cho con đi HT. Bên cạnh đó, tại bậc TH cần phải tính toán lại thời lượng dạy và kiến thức truyền thụ cho HS… mong muốn của PH khi con họ học bán trú ở trường thì nhà trường phải có cách đổi mới phương pháp dạy học để các em được tiếp thu hết kiến thức trong thời gian học chính khóa.

Buồn lòng biết tỏ cùng ai

Thầy Lê Thanh Tòng- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân đau đáu

Buồn lòng, thầy Lê Thanh Tòng- Hiệu trưởng trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh)  cho rằng, Ban đề nghị cần phân tích rõ: vì sao HS lại HT? trong đó, nêu lý do GV dạy hời hợt vì HS đã HT ngoài nhà trường. Tôi cho rằng đây là nhận định “phiến diện” vì với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo không ai làm việc này! Bên cạnh đó, không có chuyện CBQL “khoanh tay” nhìn vấn đề này. Việc HS phải HT, đó là nhu cầu chính đáng của PH vì PH còn công việc, PH tin tưởng ở nhà trường. Không lẽ việc HS tham gia các hoạt động khác trong nhà trường như kỹ năng sống, năng khiếu… là sai trái?

Cô Bùi Minh Tâm- Hiệu trưởng, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh lo lắng chất lượng dạy và học sẽ ra sao?

Cô Bùi Minh Tâm- Hiệu trưởng, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Quận 1) đồng thuận với việc cấm DTHT là chủ trương đúng của Thành ủy, giúp các em HS giảm tải được thời gian học, đáp ứng được nhu cầu học tập của HS… Theo cô Tâm, việc cấm DTHT sẽ được và không được cái gì? Cái được là chấm dứt được tiêu cực trong nhà trường; cái chưa được đó chất lượng GD của TP có giữ được sự ổn định? Vì nội dung thi cử, cách ra đề thi của Bộ chưa thay đổi. Cấm DT trong nhà trường thì việc học phí ở các TT ngoài nhà trường sẽ rất cao và CSVC không đảm bảo như trong trường học…

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương- Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, Bình Chánh lưu ý, chúng ta cần trân trọng những kết quả mà ngành GD-ĐT TP đã làm được! Với chỉ đạo này, bản thân chúng tôi rất buồn. Vì việc gì cũng cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể chứ không phải nói cấm là cấm ngay.

“Cấm DT- tức là thầy cô làm sai hay sao? Bản thân sống trong nội thành, tôi và nhiều GV khác, có đủ điều kiện để chuyển về nhưng tại sao chúng tôi lại gắn bó với ngoại thành. Tất cả là vì cái tình- cái nghĩa với HS”, cô Chương buồn rầu.

Phải làm sao để giáo viên “tâm phục”

Tuy nhiên, giữa bà Hoa và ông Nguyễn Mạnh Trí- Giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch- thành viên Ban có cùng trăn trở: “Tại mục 2.1, trong  văn bản 2843/GDĐT-VP về DTHT nêu rõ: không cho phép GV dạy HS mà mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào (kể cả dạy trong nhà trường hay ngoài nhà trường). Xử lý ở mức cao nhất (đuổi việc) nếu GV vi phạm. Hình thức này có quá nặng và những GV vi phạm có “tâm phục khẩu phục”?

Theo ông Trí, cải cách chương trình; đổi mới cách thi cử đánh giá và ổn định đời sống GV là những việc quan trọng nhất để việc DTHT không “biến tướng”. Nhưng theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong đề án giảm tải của Sở vẫn còn căn cứ vào- đảm bảo khung của Bộ GD-ĐT. Vấn đề đặt ra, nếu khung của Bộ còn nặng thì Sở có kiến nghị và dám cắt, dám quyết liệt làm để giảm tải chương trình cho GV; thứ hai là lương của CBQL, GV làm sao tăng thì thầy cô giáo mới yên tâm cống hiến cho nghề. “Lương của GV còn thấp, không DTHT thì GV lấy ở đâu ra để trang trải cuộc sống- công việc, trách nhiệm rất nặng nề nhưng thu nhập không xứng đáng với công sức của thầy”, ông Trí băn khoăn.

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương- Hiệu trưởng THPT Tân Túc bức xúc: “Cấm DT- tức là thầy cô làm sai hay sao?”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Việt Tú- Thành viên Đoàn giám sát trải lòng: “Là ĐBHĐND TP, bản thân là cán bộ quản lý phòng GD, chưa có cuộc họp nào, tôi lại cảm thấy căng thẳng như cuộc họp này. Vì có cái đồng tình và có cái tâm tư. Hiện có rất nhiều nguồn thông tin, nêu lên nguyên nhân DTHT nhưng rõ ràng có những luồng thông tin không đúng vậy Sở GD-ĐT đã trao đổi với lãnh đạo TP về luồng thông tin không đúng này chưa? Bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới CBQL, GV, vì rõ ràng với mức lương của CBQL-GV-NV trong ngành GD rất thấp. Nếu Sở chia sẻ với lãnh đạo cụ thể về vấn đề này, chắc chắn các đồng chí lãnh đạo sẽ có cách nhìn khách quan hơn.

Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, TS. Lê Hồng Sơn giải thích thêm về Văn bản 2843: “Mâu thuẫn hay không trong kiến nghị, đề xuất của sở, Sở đang tiếp tục kiến nghị để có biện pháp cụ thể về việc cấm DTHT. Còn gốc rễ của vấn đề, từ phương pháp dạy học; đến chương trình SGK; rồi đến khâu ra đề thi, coi thi, thanh tra thi… khi TP được bộ chấp thuận bằng văn bản cụ thể trong tháng 9 này, thì việc cấm DTHT mới làm được”.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP “Mong muốn, Sở GD-ĐT tăng cường công tác truyên truyền về chủ trương, mục đích này”.

5 BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ DTHT

Trước mắt, để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, TS. Sơn cho biết: “Nhằm chấn chỉnh việc DTHT, Sở GD-ĐT đã đưa ra 5 giải pháp để quản lý chặt việc DTHT hiện nay. Cụ thể, Sở không cho phép GV dạy HS mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu GV vi phạm; nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý GV DT. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia HT của GV trong đơn vị mình phụ trách; ngừng cấp phép mới cho việc DT trong các nhà trường; tiếp tục phối hợp với các quận- huyện để tiến hành thanh kiểm tra để chấm dứt DT sai quy định; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Đổi mới cách đánh giá, ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng phân tích, đánh giá… chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng từ chương, học thuộc…; phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, các cơ quan thông tấn- báo chí tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đã triển khai, tăng cường công tác thanh- kiểm tra để chấm dứt DTHT trái qui định trên địa bàn TP.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, HĐND TP kết luận: “Đây là phiên khảo sát của Ban để phục vụ cho buổi Lắng nghe và trao đổi của HĐNDTP. Ban mong muốn, Sở GD-ĐT tăng cường công tác truyên truyền về chủ trương, mục đích này cho GV và PHHS để có được sự đồng thuận của nhà trường và PHHS; thứ hai GV cần phải nâng cao phương pháp truyền thụ cho HS; phải tăng việc học 2 buổi/ngày tại các lớp cuối cấp nhưng thực tế việc này rất khó vì TP luôn bị “phá vỡ” qui hoạch trường lớp do việc tăng dân số cơ học; tăng cường công tác quản lý nhà nước- dù 10% không lớn nhưng đó là thực tế, làm ảnh hưởng tới chất lượng- uy tín của ngành GD TP. Hướng tới phải làm chặt chẽ, nghiêm túc và động bộ hơn về vấn đề DTHT”.

Lê Quang Huy