Thứ năm, 19/10/2017, 09h28

Cầm tấm bằng cử nhân mà vẫn cứ... ngơ ngác!

Theo các chuyên gia, chương trình đại học của VN đang đào tạo theo mô hình chuyên ngành hẹp (trong khi thị trường việc làm hiện rất khác so với thế kỷ 20), khiến sinh viên ra trường, cầm tấm bằng cử nhân mà vẫn cứ... ngơ ngác.
Nhiều sinh viên ra trường vẫn khó xin việc làm /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều sinh viên ra trường vẫn khó xin việc làm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tốt nghiệp ĐH vẫn nhờ cha mẹ đi xin việc
Dù nền kinh tế đã được đổi mới hàng chục năm nay, chương trình đào tạo ĐH ở VN vẫn đi theo lối mòn (xây dựng theo mô hình Liên Xô trước đây). Thậm chí, đến nay vẫn còn sự lẫn lộn giữa giáo dục (GD) nghề với GD ĐH, từ đó dẫn tới việc quá coi trọng bằng ĐH mà xem nhẹ đào tạo nghề.
Nhiều người chỉ cần học nghề để mưu sinh, nhưng vẫn cứ lăn xả vào học ĐH, vì cho rằng đó là nơi đào tạo nghề nhưng có bằng ĐH, vì thế sẽ “oai” hơn!
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội), cho rằng với phương thức đào tạo, cách thức tiếp cận quá chú trọng vào việc trang bị cho người học một ngành nghề nhất định, mà không hướng tới đào tạo con người trưởng thành, thì nền ĐH vẫn sẽ tiếp tục cho ra đời những sản phẩm lỗi, nhiều em tốt nghiệp ĐH rồi vẫn phải nhờ cậy phụ huynh dắt đi xin việc khắp nơi.
GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, nhận định cách đào tạo ĐH chuyên sâu ở VN hiện nay, kiểu như suốt 4 năm chỉ học toán, học sử, hay học một nghề cụ thể… trong lúc thị trường lao động biến đổi không ngừng về chất, là một sai lầm cơ bản, khiến SV ra trường cứ ngơ ngác.
Cũng theo GS Minh, GD ĐH VN cần phải thiết kế lại chương trình đào tạo, để làm sao SV vừa được trang bị kiến thức chuyên ngành, vừa được lựa chọn để có thêm các đơn vị kiến thức liên ngành.
GS Furuta Motoo cho rằng: “Đào tạo tính chuyên môn cao là nhiệm vụ của GD sau ĐH. Giai đoạn cử nhân cần coi trọng đào tạo kiến thức cơ bản vững và tầm nhìn rộng, coi trọng đào tạo kỹ năng và năng lực áp dụng kiến thức hơn là trang bị kiến thức. Trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay, các doanh nghiệp cần “nguồn nhân lực có chất lượng cao và năng lực quản lý”, bao gồm khả năng giao tiếp, tính chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, hơn là nhân lực chỉ có các kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực riêng lẻ”.
“Trường của ta chuyên về một ngành cho sâu, nhưng không đủ sâu để thành chuyên gia. Không ai có thể thành chuyên gia sau 4 năm học, nhất là ở VN chúng ta mất đứt 1 năm cho GD thể chất, quốc phòng, lý luận chính trị”, GS Minh nói.
Cơ hội cho giáo dục khai phóng
Theo TS Giáp Văn Dương, với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động dẫn dắt xã hội không còn là các kỹ sư điện, kỹ sư máy tính… mà là những người có khả năng tích hợp để tạo ra một hệ thống mới, hoặc người dùng các kiến thức liên ngành giải quyết các vấn đề của xã hội. “Đây chính là thời điểm mà GD khai phóng có cơ hội thực hiện được ở VN”, ông Dương nói.
GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Xu hướng tuyển dụng của các nhà đầu tư Nhật Bản tại VN là hoan nghênh SV được đào tạo qua các trường ĐH chú trọng GD khai phóng. Vì vậy, GD khai phóng sẽ giúp SV VN tăng cường tính cạnh tranh trong việc xin vào làm tại các công ty Nhật Bản”.
Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Fulbright VN, cho hay khi biết trường này theo đuổi triết lý GD khai phóng, câu hỏi mà bà thường xuyên nhận được từ phụ huynh và các bạn trẻ ngấp nghé ngưỡng cửa ĐH là: Học xong ra trường thì sẽ làm nghề gì?
Theo bà Thủy, câu hỏi đó là quá áp lực với một thanh niên 17 - 18 tuổi. Nếu phải lựa chọn ngay thời điểm đó, nhiều em sẽ chọn sai, để rồi 10 - 15 năm sau khi nghĩ lại phải hối tiếc. Vì thế, hãy để giai đoạn các em học ĐH là giai đoạn tìm tòi, khám phá bản thân, thông qua chương trình GD khai phóng. Nó giúp các em lựa chọn được ngành nghề vừa phù hợp với nhu cầu mưu sinh của mình, vừa có thể theo đuổi được ước mơ.

Quý Hiên/TNO