Thứ tư, 6/6/2018, 10h02

Căn bệnh nào được xem là ung thư của tim?

GS.TS Nguyễn Đức Công, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), khi nói về bệnh cơ tim thể giãn "Đây là một loại bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao".

Căn bệnh nào được xem là ung thư của tim? - Ảnh 1.

Cơ tim thể giãn có cơ tim giãn to hơn tim bình thường - Ảnh minh họa

GS.TS Nguyễn Đức Công chia sẻ: Bệnh cơ tim thể giãn là bệnh lý tim, trong ngành tim mạch rất ít khi bị ung thư, thế nhưng bệnh cơ tim thể giãn là loại bệnh nặng và khó chữa nên người ta ví nó như bệnh "ung thư của trái tim".

Bệnh vô căn

Bệnh cơ tim thể giãn đặc trưng bởi sự giãn ra của các buồng tim và giảm khả năng co bóp của cơ tim (đặc biệt là tâm thất trái), sức đẩy máu của cơ tim vào các động mạch cũng giảm theo, gây nên tình trạng suy tim.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Công, khi không xác định rõ nguyên nhân gây giãn cơ tim, mà gặp tình trạng suy tim thì đó là bệnh cơ tim giãn nở.

Cơ tim thể giãn là bệnh vô căn, khi không tìm được nguyên nhân, nhưng xảy ra tình trạng suy tim thì đó là bệnh cơ tim thể giãn. 

Nhưng cơ tim giãn nở có thể do nhiều nguyên nhân khác, làm cho các buồng tim giãn ra giống như bệnh cơ tim thể giãn. Chẳng hạn như: người tăng huyết áp lâu ngày, cũng khiến cơ tim phình to ra khiến quả tim giãn ra; viêm cơ tim cấp tính; những người uống nhiều rượu, bia; bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ lâu ngày; những bệnh nhân thiếu vitamin B1; vi chất kẽm cũng là một nguyên nhân gây bệnh.

Đặc biệt, bệnh cơ tim giãn nỡ có mang tính gia đình.

Những triệu chứng của bệnh

BS CKI. Bùi Thế Dũng - trưởng Khoa Nội tim mạch BV ĐH Y Dược, cho biết trong giai đoạn đầu của bệnh, việc giảm nhẹ thể tích nhát bóp được cơ thể bù trừ bằng cơ chế tăng nhịp tim và tăng hoạt hóa hệ thần kinh - thể dịch để đảm bảo cung lượng tim, vì vậy người mắc bệnh cơ tim giãn thường không có triệu chứng rõ rệt.

Đến giai đoạn sau của bệnh, thể tích nhát bóp giảm nặng, cơ thể mất khả năng bù trừ nên người bệnh có biểu hiện các triệu chứng suy tim.

Các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn thường có triệu chứng như mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở khi gắng sức. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể biểu hiện khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở về đêm, ho khan, đau ngực, phù chân, tiểu ít... 

Khoảng 10% các trường hợp phát hiện ra bệnh là do tình cờ chụp X quang tim phổi thấy bóng tim to hơn bình thường.

"Nếu bạn có tiền căn gia đình mắc bệnh cơ tim giãn nở, hãy báo bác sĩ về việc tầm soát các thành viên trong gia đình. Việc phát hiện sớm có thể giúp ích ở nguời bị bệnh này dạng di truyền và không có triệu chứng rõ ràng." - BS Bùi Thế Dũng chia sẻ.

Tỷ lệ tử vong cao

Đây là một loại bệnh nặng, có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này sau 5 năm là 50% và lên đến 70% sau 10 năm theo dõi.

Vì vậy, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như: tình trạng suy tim (tim không có khả năng bơm máu đi nuôi khắp cơ thể), hở van tim (lớn thất trái gây van đóng không kín, làm máu phụt ngược lại tim và khiến tim bơm máu không được hiệu quả), phù toàn thân, tràn dịch màng phổi, báng bụng, rối loạn nhịp tim. Việc ứ máu ở thất trái có thể tạo cục máu đông, trôi theo dòng máu làm tắc máu đến nuôi các cơ quan quan trọng, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Loạn nhịp cũng có thể gây cục máu đông.

Đặc biệt, suy tim nặng dẫn đến tử vong.

Điều trị triệu chứng giãn nở theo nguyên nhân

GS.TS Nguyễn Đức Công cho biết điều trị bệnh cơ tim giãn nở tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Đối với các trường hợp bệnh cơ tim giãn nở có nguyên nhân, bệnh nhân cần điều chỉnh nguyên nhân gây ra bệnh.

Chẳng hạn, bệnh nhân bị suy tim, thì phải điều trị các triệu chứng của suy tim. Hoặc bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn nở do rượu thì ngoài việc điều trị tình trạng suy tim điều quan trọng là bệnh nhân phải bỏ rượu.

Theo BS Bùi Thế Dũng, tùy thuộc vào triệu chứng, bệnh nhân có thể dùng các thuốc được chứng minh có hiệu quả trong điều trị suy tim như: thuốc làm giãn mạch, thuốc điều chỉnh lại hoạt động thần kinh - thể dịch, thuốc tăng co bóp cơ tim, thuốc làm giảm nhịp tim, thuốc lợi tiểu làm giảm lượng dịch thừa và muối trong cơ thể …

"Hiện tại, phương pháp sử dụng thuốc có hiệu quả tốt cho bệnh lý này. Tuy nhiên, chỉ bắt đầu điều trị khi bệnh nhân đã suy tim thể khô (hết phù, hết ứ đọng ở phổi). Thuốc này bắt đầu khởi động điều trị với liều rất nhỏ, sau đó tăng dần liều rất nhỏ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch" - GS. TS Nguyễn Đức Công cho biết.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp người bệnh cơ tim thể giãn có thể được điều trị bằng các dụng cụ hỗ trợ như máy tái đồng bộ thất (CRT), được sử dụng cho những người mất đồng bộ hoạt động ở hai thất, giúp cải thiện triệu chứng và tỷ lệ tử vong, máy khử rung (ICD) giúp phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất.

Tình trạng bệnh nhân bị suy tim nặng và điều trị không hiệu quả có chỉ định ghép tim trong thời gian chờ đợi ghép tim thì có thể sử dụng các dụng cụ trợ thất (máy bơm máu từ tâm thất lên động mạch chủ hoặc động mạch phổi).

Ở bệnh nhân suy tim tiến triển kháng với điều trị nội khoa, ghép tim là một phương pháp được lựa chọn. Với các bệnh nhân này tỷ lệ sống là 90% sau 1 năm và 50% sau 20 năm.

Phương pháp giảm triệu chứng bệnh

BS CKI. Bùi Thế Dũng, trưởng Khoa Nội Tim mạch BV ĐH Y Dược , cho biết có một số phương pháp giúp giảm triệu chứng bệnh:

- Tập thể dục: Tập thể dục vừa sức, cố gắng duy tri đều đặn mỗi ngày 30 phút, tránh gắng sức quá mức. Các hoạt động thể thao thi đấu không được khuyến cáo vì làm tăng nguy cơ ngưng tim và tử vong đột ngột.

- Bỏ hút thuốc.

- Không sử dụng rượu cồn và ma túy.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Dư cân sẽ làm tim bạn hoạt động khó khăn hơn. Hãy giảm cân nếu bạn thừa cân hay béo phì.

- Ăn chế độ ăn khỏe mạnh cho tim: Ăn các loại đậu, đa dạng rau và trái cây, giảm muối, cholesterol, mỡ bão hòa.

Giảm bệnh vì điều trị đúng hướng

Bệnh nhân nam tên L.N.A (26 tuổi, Q.7, TP.HCM) đã chia sẻ câu chuyện của bản thân, từ một người có biểu hiện những triệu chứng suy tim nặng, sau đó điều trị đúng cách và mang lại kết quả khả quan.

Anh mắc chứng cơ tim thể giãn cách đây đã 5 năm, với các biểu hiện như: khó thở, ho có đờm lẫn máu mỗi khi nằm, môi tim tái khiến đêm ngủ không được vì hễ nằm xuống là khó chịu. Các biểu hiện tăng nặng dần như bụng trương to, các bộ phận chức năng khác cũng bị ảnh hưởng, khiến cả việc đi lại cũng khó khăn.

Sau đó anh có tìm đến một bệnh viện để điều trị một thời gian. Tuy nhiên, bệnh tình không tiến triển, thậm chí tình trạng suy tim nặng hơn.

"Sau đó, tôi nghe giới thiệu từ một người quen đến điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, về điều trị, bác sĩ chủ yếu điều chỉnh thuốc uống cho tôi và hướng dẫn cách ăn uống, thể thao phù hợp.

Từ đó đến nay, bệnh tình tôi giảm hẳn, sức khỏe cải thiện tốt, từ việc nằm viện liên tục, hiện nay khoảng 2 tháng tôi mới tái khám một lần." - L.N.A chia sẻ.

HỒNG PHƯƠNG/TTO