Thứ năm, 29/12/2011, 16h12

Cần chú trọng xây dựng kho học liệu

Cải cách giáo dục hay đổi mới nền giáo dục có lẽ là vấn đề được bàn luận rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất khi bàn về nền giáo dục VN của chúng ta. Tất nhiên từ những tranh luận, bàn luận ấy đã có nhiều ý kiến, nhiều quan điểm về việc phải cải cách, đổi mới cái gì, chọn khâu nào là đột phá...

Tất nhiên những vấn đề được đề cập cũng thường mang tầm vóc vĩ mô như chính bản thân lĩnh vực giáo dục vậy. Chính vì quá vĩ mô nên việc triển khai những vấn đề đó thường rất chậm và có lẽ vì vậy mà cần đi vào những chuyện có thể làm ngay được.

Chúng tôi đề xuất thêm một việc tuy nhỏ nhưng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đó là phải buộc các trường phát triển kho học liệu và phòng thí nghiệm để phục vụ việc dạy và học ở bậc đại học. Quả vậy, cách đây khoảng hai năm, gần như tất cả các trường đại học VN đều áp dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ thay cho lối đào tạo theo niên chế trước đây. Theo quy định về quy chế học tín chỉ, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân (tự học) và giảng viên phải dành ít nhất 30 giờ để soạn giáo án, bài tập tình huống, soạn đề cương chi tiết, chấm bài tập về nhà, bài thi, giải đáp cho sinh viên hoặc phát triển môn học. Đây là một trong những yêu cầu rất khắt khe dành cho cả người học lẫn người dạy.

Để làm được điều đó, bắt buộc các trường đại học phải xây dựng kho học liệu, phòng thí nghiệm đủ cho việc tự học và thực hành của sinh viên. Nhưng liệu sau hai năm thực hiện học chế tín chỉ, kho học liệu của các trường đại học tăng lên được bao nhiêu? Chúng ta đều biết tại các đại học phương Tây, việc giảng bài chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là kiểu thảo luận nhóm để sinh viên trao đổi cùng làm việc chung, cùng đọc, cùng thảo luận, cùng tìm tòi với nhau cũng như với thầy. Mà muốn làm được như thế thì tất nhiên phải có đủ sách, tài liệu chứ không thể làm chay được. Hình thức thảo luận nhóm muốn thành công phải có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ.

Vậy làm sao để tăng được nguồn học liệu? Chắc có lẽ có nhiều cách nhưng nên bắt đầu từ việc đánh giá giảng viên, giảng viên chính. Theo chúng tôi, Bộ GD-ĐT cần quy định đối với người muốn được dự thi lên ngạch giảng viên chính thì bắt buộc phải có một hoặc hai giáo trình, hoặc sách do chính mình biên soạn, dịch và được công bố chính thức. Hiện nay nội dung thi giảng viên chính có một số nội dung không liên quan đến học thuật như thi về luật giáo dục, hiểu biết về các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục... Tất nhiên những kiến thức này là quan trọng, nhưng về mặt học thuật thì có lẽ không có tác động nhiều đến chất lượng học thuật trong giảng dạy của giảng viên. Hằng năm mỗi trường đều có vài chục giảng viên dự thi lên ngạch giảng viên chính. Nếu áp dụng quy định như vậy thì kho học liệu ít nhất tăng lên được vài chục tài liệu, qua nhiều năm nguồn tài liệu sẽ phong phú, nhờ đó việc dạy và học đương nhiên sẽ có cải tiến trong chất lượng.

LÊ MINH TIẾN (TTO)