Thứ năm, 5/3/2009, 13h03

Căn cứ khoa học của việc xây dựng và sử dụng chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi

Giờ tập tô màu ở lớp mầm non. Ảnh: XN

Ngày 4 / 2 / 2009 Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Thông tư về việc Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (CPTT), lấy ý kiến góp ý của xã hội. CPTT đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân. Nhìn chung hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc xây dựng và ban hành CPTT là cần thiết và sẽ góp phần đảm bảo chất lượng của bậc học. Tuy nhiên có một số ý kiến băn khoăn về cơ sở khoa học và tính thực tiễn của CPTT. Để rộng đường dư luận và giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về CPTT, chúng tôi, nhóm tác giả biên soạn xin được trao đổi một số thông tin về căn cứ khoa học của việc xây dựng và sử dụng CPTT.

1. Căn cứ xây dựng CPTT

CPTT Việt Nam được xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học và kết quả nghiên cứu thực tiễn sau:

1. 1.Về căn cứ pháp lý

Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. GDMN thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ từ ba tháng đến sáu tuổi. Mục tiêu của GDMN là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, ngôn ngữ hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 (Điều 18, 19 Luật giáo dục 2005). Ngay từ năm 1990 trong văn bản qui định về mục tiêu và kế hoạch đào tạo Nhà trẻ, trường Mẫu giáo (Số 55/QĐ – BGD ngày 03/02/1990) mục tiêu GDMN đã được xác định là:

Hình thành ở trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới XHCN Việt Nam:

- Khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cơ thể phát triển hài hoà cân đối.

- Giàu lòng yêu thương, biết quan tâm, nhường nhịn giúp đỡ những người gần gũi (bố mẹ, bạn bè, cô giáo), thật thà, lễ phép, mạnh dạn, hồn nhiên.

- Yêu thích cái đẹp, biết giữ gìn cái đẹp và mong muốn tạo ra cái đẹp ở xung quanh.

- Thông minh, ham hiểu biết, thích khám phá tìm tòi, có một số kỹ năng sơ đẳng (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận) cần thiết để vào trường phổ thông, thích đi học.

1.2. Căn cứ khoa học

CPTT được xây dựng căn cứ vào các cơ sở khoa học sau:

Thứ nhất, cơ sở lý luận chung về CPTT

Theo khái niệm chung được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, CPTT là sự trình bày về những điều mà chúng ta mong đợi trẻ cần phải biết và có thể làm được. Như vậy, chuẩn phát triển trẻ, một mặt phải phản ánh những gì trẻ biết và trẻ có thể làm được; Nhưng mặt khác nội dung của CPTT phải dựa trên các kỳ vọng mang tính quốc gia về những điều mà trẻ em của quốc gia phải biết và làm được tại độ tuổi xác định nào đó.

Căn cứ vào việc xem xét một số bộ tiêu chí và công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ, một số văn bản về GDMN thời kỳ đổi mới, nghiên cứu cơ sở khoa học liên quan đến GDMN, đặc biệt là mục tiêu giáo dục trẻ MN hiện nay ở Việt Nam có thể xây dựng hệ thống các chỉ số cụ thể về mức độ phát triển của trẻ phù hợp với mục tiêu giáo dục ở từng độ tuổi.

CPTT bao gồm 4 lĩnh vực chính. Việc chia 4 lĩnh vực xuất phát từ những giá trị mà chúng ta coi trọng và những điều mà chúng ta mong muốn trẻ đạt được. Mặc dù được thể hiện tách biệt với nhau trong CPTT, nhưng trong thực tế, 4 lĩnh vực phát triển của trẻ liên quan chặt chẽ với nhau. Sự phát triển ở lĩnh vực này ảnh hưởng và phụ thuộc vào sự phát triển ở những lĩnh vực khác và không có lĩnh vực nào quan trọng hơn lĩnh vực nào.

Bốn lĩnh vực của CPTT là:

- Phát triển thể chất bao gồm phát triển vận động, các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh, dinh dưỡng, an toàn của trẻ.

- Phát triển tình cảm và quan hệ xã hội chú ý tới năng lực bộc lộ cảm xúc, tình cảm của bản thân và với những người sống xung quanh, khả năng hình thành những mối quan hệ tích cực có ý nghĩa của trẻ với con người và môi trường sống gần gũi.

- Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp là khả năng sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp hiệu quả cũng như những kỹ năng làm quen với việc đọc, viết của trẻ.

- Phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học bao gồm hiểu biết ban đầu về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội gần gũi xung quanh, các biểu tượng sơ đẳng về toán cũng như sự cảm nhận về nghệ thuật và một số kỹ năng ban đầu để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1.

Xác định hệ thống chỉ số phát triển của trẻ 5 tuổi theo các lĩnh vực phát triển là việc vô cùng quan trọng và cần thiết đòi hỏi một sự nghiên cứu công phu và khoa học.

Thứ hai, các nghiên cứu về đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo trên thế giới và ở Việt Nam

Trong việc nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ, các nhà tâm lý học và giáo dục học đã đưa ra nhiều học thuyết khác nhau. Trong số những học thuyết về sự phát triển của trẻ, thuyết nhận thức của Piaget, thuyết học tập của Vygotsky và Bruner và thuyết xử lý thông tin là những học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất đến vấn đề nhận thức về sự phát triển của trẻ. CPTT được xây dựng dựa trên quan điểm của các học thuyết này, đặc biệt là quan điểm về "vùng phát triển gần nhất" của Vygotsky. Vygotsky đề cao vai trò của dạy học. Ông cho rằng sự phát triển nhận thức của trẻ diễn ra trong quá trình lĩnh hội sản phẩm văn hóa của loài người bằng con đường giao tiếp với những người xung quanh. Vùng phát triển gần nhất là khoảng cách giữa khả năng hiện tại của cá nhân đứa trẻ và khả năng phát triển mà đứa trẻ có thể đạt tới nếu có sự giúp đỡ của người khác.

Việc chọn nội dung chi tiết nào để đưa vào Bộ chuẩn đều được tiến hành một cách có kỹ thuật, có thể diễn đạt ngắn gọn là: nếu là Bộ chuẩn đòi hỏi có kết hợp đo định lượng lẫn định tính thì có thể chọn những chỉ số đã đo thử nghiệm trên trẻ mà cho kết quả khoảng 50- 60% "trẻ làm được", có độ phân tán rộng- nằm trong khoảng 20 - 80% của "hình chuông". Như vậy, sẽ đương nhiên có trẻ làm được chỉ số A nào đó trong Bộ chuẩn, cũng có những trẻ 5 tuổi chưa thể làm được chỉ số A đó. Nhờ vậy người giáo viên mới tìm ra được nhu cầu giáo dục cho lớp mình, xây dựng hay điều chỉnh chương trình giáo dục của lớp, soạn ra chương trình tác động đặc biệt lên một số trẻ trong lớp (nếu trẻ rất giỏi ở chỉ số A thì cần chuyển sang tập nội dung của chỉ số khác, hoặc được phát triển thử lên mức cao hơn của tiêu chí có liên quan tới chỉ số A; nếu trẻ không đạt chỉ số A thì sẽ được học từng bước để đạt chỉ số A). Chính đây là giá trị khoa học lớn nhất và cụ thể nhất của Bộ chuẩn phát triển. Ngoài ra, chính kỹ thuật dựng "hình chuông" về độ phân tán cho phép nhóm tác giả loại những chỉ số đã đi đo thử trên nhóm trẻ nghiên cứu (một số lượng lớn trẻ em tham gia thử nghiệm, và là đại diện cho các nhóm như: miền núi, thành thị, nông thôn hay theo giới tính, miền Nam- Trung- Bắc…) mà không thuộc khoảng 20- 80% này.

Các tài liệu tham khảo về sự phát triển của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo ở Việt Nam đã rất được quan tâm khảo cứu, thừa kế và vận dụng trong quá trình xây dựng CPTT mặc dù số lượng các tài liệu này còn hạn chế. Có thể kể tên một số công trình nghiên cứu phổ biến trong 10 năm gần đây như: Nghiên cứu đặc điểm nhân cách của trẻ em mẫu giáo 5 – 6 tuổi (PGS TS.Nguyễn Thạc, 2001); Bộ trắc nghiệm đo lường mức độ sẵn sàng đi học của trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (LATS. Nguyễn Thị Hồng Nga, 1997); Xây dựng bộ công cụ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non trọng điểm khối nhà trẻ và khối mẫu giáo (TS. Tạ Thị Ngọc Thanh và cộng sự - Viện KHGD, đề tài NCKH cấp Bộ 1999); Đặc điểm nhận thức các chuẩn mực đạo đức, quy tắc hành vi của trẻ 5-6 tuổi (Ths. Nguyễn Thị Xuyên - đề tài NCKH cấp Bộ 2007); Một số biện pháp giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ 3-4 tuổi ở nông thôn không đến trường mầm non (LATS – Phan Thị Ngọc Anh – 2006); Nghiên cứu những điều kiện tâm lý nhằm phát triển tính độc lập cuả trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động vui chơi (TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh -2003); Một số biện pháp GD hành vi có văn hóa cho trẻ 5 - 6 tuổi (LA TS - Hoàng Thị Phương ; Xung đột tâm lý của trẻ MG trong hoạt động vui chơi (LATS, Đinh Thị Kim Thoa, 2002) Chuẩn bị về mặt xã hội cho trẻ MG lớn sẵn sàng đi học lớp 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long (LATS, Đặng Thị Phương Phi - 2007); Nghiên cứu đặc điểm sự phát triển trí tuệ của trẻ MG 5-6 tuổi (PGS TS. Nguyễn Thạc - 1998); Nghiên cứu mức độ trí tuệ của trẻ MG 5-6 tuổi (LATS- Huỳnh Văn Sơn – 2004); Sự hiểu biết của trẻ 5-6 tuổi về nghề nghiệp của người lớn (Ths. Nguyễn Thị Vân Anh - 2000); Nghiên cứu hành vi của trẻ MG 3 - 6 tuổi có phong cách nhận thức khác nhau trong hoạt động vui chơi (TS. Trần Thị Nga - 2008); Đặc điểm phát triển thể lực của trẻ em dưới 6 tuổi (TS, Hàn Nguyệt Kim Chi và cộng sự - 1996 , Dự án điều tra cơ bản do Trường đại học Y khoa chủ trì); Một số đặc điểm tâm lí trong hoạt động ngôn ngữ của trẻ MG 5-6 tuổi qua hình thức kể chuyện (LATS - Hồ Lam Hồng – 2002; ….

Kết quả nghiên cứu của các công trình này là nguồn tài liệu tham khảo cho việc xây dựng CPTT.

1.3. Kết quả nghiên cứu thực tiễn:

Kết quả nghiên cứu thực tiễn của CPTT được xác định thông qua 2 đợt nghiên cứu tính xác thực về nội dung và độ tuổi nhằm khẳng định các chỉ số phản ánh chính xác những gì trẻ em biết và có thể làm. Đánh giá tính xác thực là một bước trong kế hoạch xây dựng CPTT.

- Nghiên cứu đánh giá tính xác thực về nội dung của CPTT nhằm đảm bảo rằng nội dung của các chuẩn, các chỉ số phản ánh được những mong muốn của quốc gia về những gì trẻ 5 tuổi Việt Nam biết và có thể làm.

Phạm vi nghiên cứu được tiến hành thông qua việc lấy ý kiến, thảo luận nhóm, điều tra bằng phiếu hỏi với 32 chuyên gia về tâm sinh lý và giáo dục trẻ mầm non, 53 cán bộ quản lý mầm non các cấp đã có có kinh nghiệm làm việc với trẻ 5 tuổi từ 3 năm trở lên, 280 giáo viên mầm non có kinh nghiệm làm việc với trẻ 5 tuổi từ 3 năm trở lên và 200 phụ huynh có con 5 tuổi; xin ý kiến của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. (Đồng thời CPTT nhận được sự góp ý của các chuyên gia hướng dẫn xây dựng – GS TS. Lynn Kagan – Trường đại học tổng hợp Columbia, TS.Pia Britto - Trường Đại học tổng hợp Yale và TS. Nirmala Rao - Trường Đại học tổng hợp Hồng Kông)

- Nghiên cứu đánh giá tính xác thực về độ tuổi nhằm xác định và lựa chọn ra những chỉ số phù hợp với sự phát triển của phần lớn trẻ 5 tuổi Việt Nam. Có nghĩa là xác định xem các chỉ số có quá dễ, quá khó hay phù hợp với đa số trẻ trong độ tuổi mà CPTT đề cập. Đánh giá tính xác thực về độ tuổi được thực hiện thông qua khảo sát trên 721 trẻ 5 tuổi được lựa chọn ngẫu nhiên ở 7 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng là: Hà Nội, Hải Dương, Lào Cai, Thanh Hóa, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Trong 721 trẻ có 369 trẻ nông thôn, 58 trẻ dân tộc thiểu số và 294 trẻ thành phố.

Để có thể đánh giá tính xác thực về độ tuổi chúng tôi đã xây dựng bộ công cụ đo bao gồm: 55 bài tập đo, 12 cuộc đàm thoại, 15 nội dung quan sát và 24 nội dung phỏng vấn GVMN và cha mẹ. Việc đánh giá tính xác thực về độ tuổi được thực hiện với từng cá nhân trẻ.

Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã nhận được hàng trăm số lượt người (đại diện cho các tổ chức và cơ quan như: Viện khoa học giáo dục, Vụ Giáo dục mầm non và một số Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT), Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường CĐSPTƯ, Trường CĐSPTƯ Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, UBDSGĐ&TE, Sở GD&ĐT Cần Thơ, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Tp.HCM, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Đà nẵng, Hội Tâm lí Giáo dục Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội……) tham gia góp ý kiến thông qua các hội thảo và bằng văn bản.

2. Quan điểm sử dụng CPTT

CPTT được xây dựng với 4 mục đích sử dụng cơ bản sau:

1. Hỗ trợ cải thiện phương pháp chăm sóc, giáo dục (CSGD) trẻ cho giáo viên mầm non. Các nội dung trong CPTT là những mong đợi thực tế đối với trẻ nhỏ, vì vậy CPTT giúp định hướng quan sát sự tiến bộ của trẻ để hỗ trợ cho giáo viên lập kế hoạch tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ.

2. Cải thiện công tác đào tạo giáo viên. CPTT có thể được dùng để định hướng việc phát triển nội dung chương trình đào tạo giáo viên thông qua việc cung cấp thông tin về những điều mà các giáo viên phải biết và có thể thực hiện trong vai trò của mình. Cũng có thể dựa vào CPTT để xây dựng các tài liệu về các lĩnh vực phát triển của trẻ. Bên cạnh đó CPTT còn được sử dụng để xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (những điều giáo viên cần phải biết và phải làm được) và làm cơ sở để hoàn chỉnh chương trình đào tạo.

3. Tăng cường cải thiện kỹ năng và hành vi của các bậc phụ huynh. CPTT nguồn tư liệu cung cấp thông tin cho các bậc phụ huynh và những người chăm sóc trẻ để họ hiểu và có những mong đợi hợp lý so với khả năng của trẻ. Từ đó giúp họ có cách hỗ trợ và tạo ra nhiều cơ hội học tập cho trẻ hơn. CPTT cũng có thể dùng làm cơ sở phát triển tài liệu cho các bậc phụ huynh tham khảo trong quá trình CSGD trẻ.

4. Nâng cao kiến thức cộng đồng về sự phát triển của trẻ em. Có thể dựa trên các nội dung của CPTT để xây dựng các chương trình giáo dục và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. CPTT góp phần tạo nên một cách nhìn thống nhất về mục tiêu chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non.

CPTT không bao gồm những gì? CPTT:

- Không phải là một danh mục liệt kê thật đầy đủ các bằng chứng về sự phát triển của trẻ. Có thể có những chỉ số phát triển cùng phản ánh một phần nội dung của chuẩn này hay chuẩn kia.

- Không dùng để xếp loại trẻ.

- Không dùng như bộ công cụ để trực tiếp đánh giá trẻ. Dựa vào CPTT chúng ta có thể xây dựng bộ công cụ đánh giá và sử dụng trên cơ sở nghiên cứu kỹ về phương pháp và kỹ thuật đánh giá.

Chính vì vậy, các nguyên tắc liên quan đến việc sử dụng CPTT bao gồm:

- CPTT cần được sử dụng đúng đắn, hợp lý và đúng với các mục đích đề ra khi xây dựng chúng. Chủ yếu CPTT được xây dựng để gia đình và những người làm việc với trẻ sử dụng.

- Sự tham gia của gia đình phải được coi là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện CPTT bởi gia đình là những người trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc và có các quyết định quan trọng trong cả cuộc đời của trẻ.

- Cần sử dụng CPTT để thúc đẩy sự phát triển của trẻ, định hướng thiết kế chương trình GDMN, điều chỉnh các hoạt động giáo dục... giúp trẻ phát triển tối đa. Không nên coi CPTT như một công cụ để đánh giá, trừng phạt trẻ hoặc chỉ trích giáo viên. Khi sử dụng CPTT phải lưu ý để không một trẻ nào cảm thấy mình bị thất bại.

- CPTT cần được đánh giá lại và cập nhật ít nhất có thể là 5 năm một lần để đảm bảo luôn phù hợp với sự phát triển của trẻ và sự mong đợi của xã hội.

- Để đảm bảo sử dụng và thực hiện CPTT một cách tối ưu, cần hỗ trợ về kỹ thuật và các nguồn lực một cách đầy đủ và rõ ràng cho người sử dụng.

Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng CPTT. Đánh dấu một bước tiến của GDMN Việt Nam trong việc tiếp cận với các thành tựu khoa học trên thế giới, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với ngành học. Dù có tâm huyết và nỗ lực đến bao nhiêu thì sản phẩm đầu tiên chưa thể hoàn hảo. Nhóm soạn thảo rất trân trọng các ý kiến phản biện của xã hội. Tuy nhiên để CPTT được xây dựng tốt nhất thì ngoài các ý kiến bình luận nhóm soạn thảo mong nhận được thêm những thông tin khoa học mới nhất về sự phát triển tâm sinh lý trẻ 5 tuổi của Việt Nam (nếu có).

Cuối cùng cũng cần phải nhấn mạnh lại rằng trẻ không phải tự nhiên đạt được CPTT một cách dễ dàng. Sự phát triển của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và tác động giáo dục của những người xung quanh trẻ. Do đó nếu CPTT được xây dựng khoa học mà trẻ chưa đạt tới thì người lớn không vì thế mà lo lắng, trái lại cần tìm cách tác động giáo dục phù hợp giúp trẻ đạt được những chuẩn mong đợi. Hy vọng rằng với sự chung tay của toàn xã hội, trẻ em Việt Nam sẽ nhận được những điều kiện tốt nhất để phát triển như trẻ em các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Theo GD&TĐ