Thứ sáu, 26/10/2012, 15h10

Cần đặt lợi ích học sinh lên hàng đầu

Để hoạt động giáo dục diễn ra thuận lợi, cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh

Cầm tờ giấy ghi các khoản thu - chi đầu năm của con gái, chị P., phụ huynh học sinh (HS) khối lớp 2 ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM), thắc mắc: Tại sao tiền bán trú năm nay đóng nhiều thế? Chị định lên hỏi Ban giám hiệu nhà trường nhưng lại sợ con mình sẽ  bị… “đì” nên đành im lặng.
“Im lặng là vàng!”
Sau buổi họp phụ huynh đầu năm, chị P. và các phụ huynh khác mới hay tiền bán trú năm nay tăng gấp 2,5 lần so với năm trước (từ 60 ngàn đồng/tháng tăng lên 150 ngàn đồng/tháng). Chị P. chia sẻ: “Nhà trường tăng tiền bán trú là hợp lý vì trong đó có phần tăng thu nhập cho bảo mẫu. Nhưng một bảo mẫu vẫn giữ hai lớp như năm trước, chứ chẳng phải một lớp. Như vậy số tiền gộp hai lớp lại trả cho bảo mẫu cũng không ít, vậy khoản thu đó có quá nhiều không? Chúng tôi định lên hỏi Ban giám hiệu nhưng lại chẳng dám. Thú thực vấn đề thu - chi khá tế nhị, hỏi ra chẳng may thầy cô không thích, “đánh dấu” vào tên con mình thì thiệt thòi”. Trong khi đó, chị H., phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận 6, sau buổi họp phụ huynh (ngày 23-9) cũng có nhiều băn khoăn mà không dám thắc mắc với Ban giám hiệu trường này. Cụ thể, trong khoản kêu gọi phụ huynh đóng góp tự nguyện xây dựng cơ sở vật chất, Ban đại diện cha mẹ HS đưa ra lí do mỗi lớp nên có 1 ti vi LCD 40 inch (khoảng 10 triệu đồng/cái) phục vụ việc giảng dạy và học tập. Ở đây không có sự bắt buộc, mức đóng góp là tùy điều kiện của mỗi phụ huynh. Chị H. cho biết: “Thú thực gia đình có điều kiện thì không sao chứ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì quả là nan giải. Gia đình tôi ở nhà trọ, làm thuê, thu nhập hàng tháng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng không đóng thì không được vì người khác đóng, chẳng lẽ mình lại ngồi nhìn. Muốn trình bày vấn đề này với nhà trường thì lại ngại, sợ mất lòng thầy cô…”. Tương tự, một phụ huynh có con đang học mầm non ở quận 4 chia sẻ: “Ban đại diện cha mẹ HS kêu gọi mỗi phụ huynh đóng 200.000 đồng mua ti vi phục vụ giảng dạy. Nếu chỉ có mỗi 200.000 đồng thì không nói gì, đằng này còn nhiều khoản khác dồn vào thì số tiền đóng cũng không ít. Thắc mắc thì thắc mắc vậy thôi chứ chúng tôi không dám hỏi thẳng giáo viên. Gặp cô dễ thì không sao chứ gặp cô khó cũng ngại. Thôi im lặng là vàng!”.
Phụ huynh cần phát huy vai trò của mình
Trước thực trạng phụ huynh có thắc mắc nhưng ngại hỏi Ban giám hiệu, thầy Bùi Trọng Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh), cho biết: “Thông thường những khoản kêu gọi đóng góp là do ban đại diện cha mẹ HS đưa ra và việc thực hiện thu - chi đều dựa trên sự đồng ý của phụ huynh. Chỉ khi phụ huynh đồng ý thì mới thu. Còn việc nhà trường hay giáo viên “đì” HS của mình là không có. Mỗi trường, mỗi lớp đều thi đua dạy tốt - học tốt, làm sao có chuyện đó xảy ra. Tuy nhiên tâm lý phụ huynh e ngại nhà trường, giáo viên “đì” con em mình là có và tồn tại ở một số người. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến nhà trường và tạo tâm lý không hay trong dư luận xã hội, và còn tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa nhà trường với phụ huynh”.
Trong khi đó, theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở  quận Thủ Đức (đề nghị được giấu tên - PV) thì năm nay, các khoản thu - chi được thực hiện một cách rõ ràng theo văn bản thu - chi của Sở GD-ĐT gửi xuống các phòng GD-ĐT quận/huyện. Sau đó phòng GD-ĐT mời các trường lên họp, hướng dẫn cụ thể cách thực hiện. Mọi khoản thu bắt buộc hay vận động… đều phải họp và công bố đến phụ huynh để mọi người hiểu, nắm rõ. Nếu khoản thu nào mà phụ huynh còn chưa rõ hay không đồng tình thì có thể có ý kiến, kiến nghị để nhà trường xem xét, điều chỉnh lại. Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh tốt sẽ là cầu nối góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để có được mối quan hệ ấy, tất cả đều xây dựng trên cơ sở trao đổi thẳng thắn mọi vấn đề với tinh thần cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, đặt lợi ích HS lên hàng đầu…
Cũng theo vị hiệu trưởng này, chính phụ huynh không thấy và không nắm được quyền, vai trò được hỏi, đóng góp ý kiến của bản thân. Nhiều phụ huynh hay e ngại nên khi có thắc mắc không dám hỏi, từ đó tạo ra cái nhìn không đúng về nhà trường. Phụ huynh phải nắm được quyền của mình để đưa ra những ý kiến, quan điểm đúng đắn cùng nhà trường xây dựng, phát triển việc dạy - học.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Phụ huynh không thấy và không nắm được quyền, vai trò được hỏi, đóng góp ý kiến của bản thân. Nhiều phụ huynh hay e ngại nên khi có thắc mắc không dám hỏi, từ đó tạo ra cái nhìn không đúng về nhà trường.