Thứ bảy, 9/12/2017, 09h12

Cần định nghĩa lại khái niệm nhà giáo

Ngày 8-12, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các bậc học đến từ 10 tỉnh thành miền Trung (từ Nghệ An đến Phú Yên).

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam phát biểu tại hội thảo

Cần nâng chuẩn giáo viên

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đã đồng tình đánh giá cao những sửa đổi bổ sung của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, nhiều đại biểu nêu ý kiến về những nội dung như chính sách dành cho nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và việc miễn học phí ở bậc THCS.

Về nâng chuẩn giáo viên tiểu học và mầm non, ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết. Đồng quan điểm với ông Hướng, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đề nghị, không chỉ nâng chuẩn ở giáo viên tiểu học mà nên áp dụng cho cả giáo viên Mầm non. Riêng Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có tham mưu với UBND tỉnh này không đào tạo bậc trung cấp Mầm non. Đây là bậc học rất quan trọng, cần có nguồn nhân lực giảng dạy tốt nhất, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên các đại biểu đều cho rằng, việc thực hiện cần có lộ trình cụ thể. Đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình ý kiến cần thực hiện một lộ trình, nhất là với các giáo viên dưới chuẩn để giáo viên yên tâm. Bên cạnh đó, với giáo viên công tác ở các địa bàn miền núi khó khăn, đã lớn tuổi cần có hướng dẫn để địa phương thực hiện để đảm bảo sự công bằng/

Trước băn khoăn của các đại biểu, đại diện Vụ Tiểu học cho biết, hiện nay theo thống kê, số giáo viên tiểu học trình độ trung cấp trên toàn quốc có khoảng trên 10%. Khi đưa nội dung này ra bàn thảo, đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục có hiệu lực (khoảng năm 2019), thì sẽ không tuyển giáo viên hệ trung cấp mà chỉ tuyển từ cao đẳng trở lên để đồng bộ luật. Giáo viên nào có bằng đào tạo bậc trung cấp mà thời gian giảng dạy từ 5 năm trở xuống là đến ngày về hưu thì bồi dưỡng thêm. Còn với giáo viên có 5 năm công tác trở đi thì phải đào tạo lại.

Việc miễn học phí ở bậc THCS, các đại biểu đều tán thành với chủ trương, tuy nhiên cần cân đối ngân sách nhà nước để cấp bù nhằm duy trì những khoản chi trước đây được lấy từ nguồn học phí. Đồng thời không nên đưa tự chủ tài chính vào bậc phổ thông vì nếu tự chủ tài chính thì các trường buộc phải thu học phí để trang trải các khoản chi.

Riêng quy hoạch mạng lưới trường lớp, ông Lê Bá Thiêm, Trưởng Phòng GD-ĐT Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần xác định rõ định hướng quy hoạch. Cụ thể, nếu liên xã trong một bậc học thì có thể nâng cao chất lượng dạy học, nhưng liên cấp trong một xã thì chỉ giải quyết vấn đề đầu mối quản lý chứ không giải quyết được vấn đề chất lượng.

Giải quyết chính sách tiền lương

Quang cảnh hội thảo

Liên quan đến chính sách tiền lương cho nhân lực công tác trong ngành giáo dục, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam đề nghị: “Cần định nghĩa lại khái niệm nhà giáo, chính khái niệm này sẽ chi phối toàn bộ vì nó liên quan đến con người. Trên thực tế có những bất cập làm cho vị thế của nhà giáo không được như quan niệm của xã hội cũng như đề cao của nhà nước là quốc sách hàng đầu. Đưa nhà giáo hoạt động theo Luật viên chức thì có những bất cập làm cho nhà giáo giỏi, tâm huyết không mong muốn được điều động về Phòng, Sở để cống hiến. Điều này cũng không trách được họ vì mức thu nhập sẽ giảm đi”.

Ông Lê Bá Thiêm nói: Trước khi làm cán bộ quản lý thì rất nhiều người là giáo viên nhưng chính đội ngũ này lại không được hưởng các chế độ như nhà giáo. Điều này gây cản trở trong công tác thu hút người giỏi làm quản lý đồng thời là thiệt thòi lớn cho những người công tác tại phòng, Sở mà trước đó họ đi lên từ giáo viên.

Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cũng cho rằng, ngoài chế độ tiền lương, cán bộ quản lý, chuyên viên công tác tại Phòng, Sở còn thiệt thòi trong việc bầu chọn danh hiệu Nhà giáo ưu tú, vì thế nên mở rộng định nghĩa nhà giáo.

Ông Hà Thanh Quốc nêu quan điểm: Việc phân cấp quản lý giữa các bậc học trong hệ thống giáo dục phải sửa đổi làm sao để khi trở thành Luật thì quản lý chung phải thuộc về ngành giáo dục, theo đó về nhân lực, tài chính, bổ nhiệm, đề bạt… phải do ngành giáo dục quyết định.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận những đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, cân nhắc các ý kiến này nhằm hoàn chỉnh hơn dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục để hoàn thiện luật về giáo dục mang tính khoa học, chặt chẽ và bền vững.

Vĩnh Yên