Thứ năm, 12/7/2018, 22h54

Cần đổi mới trong tuyển sinh sư phạm

Trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, do thiếu giáo viên mà các trường sư phạm có nhiệm vụ phải cung cấp đủ số người đứng lớp ở phổ thông nên đã tuyển sinh một cách ồ ạt. Việc tuyển sinh này đã đảm bảo được việc tăng nhanh số lớp ở các bậc học, trẻ em đều được đi học. Đó là điều mà ai cũng nhận biết được. Việc tuyển sinh lúc này ưu tiên số lượng hơn chất lượng. Những năm gần đây, tuy nhu cầu giáo viên ở phổ thông không cao nhưng do áp lực phải thực hiện đủ chỉ tiêu cấp trên giao mà trường nào cũng có điểm chuẩn sư phạm ngang điểm sàn. Điều này tạo ra mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng của đội ngũ.

Đến nay, nhu cầu ở phổ thông đã đáp ứng tương đối đủ về số lượng, do đó nhu cầu hiện nay không phải số lượng mà là phải có đội ngũ giáo viên đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới. Đặc biệt là trước yêu cầu cấp bách về đổi mới phương pháp dạy học. Cần có một đội ngũ giáo viên chất lượng cao, có chọn lọc đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy, các trường sư phạm không có cách nào khác là cần có sự đổi mới trong tuyển sinh.

Như quy định, yêu cầu đầu tiên là chỉ tuyển sinh những học sinh có học lực khá trở lên ở bậc THPT. Có thể coi đây là yếu tố cần thiết đầu tiên. Đó là điều đáng mừng vì tri thức đi liền với năng lực. Tuy nhiên, những năng lực của giáo viên không chỉ phụ thuộc vào học lực khá giỏi. Kiến thức là quan trọng nhưng chưa phải là tất cả, chưa thể quyết định toàn bộ phẩm chất và năng lực nhà giáo sau này. Chúng tôi thấy giáo viên cần phải toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bộ phận không nhỏ trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không còn là tấm gương sáng, là mẫu mực theo quan niệm xã hội xưng danh là “thầy” nữa. Cũng cần chú ý đến quá trình rèn luyện của các em có nhu cầu học sư phạm ở phổ thông.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất, trường sư phạm nên có đợt sơ tuyển trước khi gọi trúng tuyển. Phải nên sơ tuyển các nội dung: Thứ nhất, về hình thức: chiều cao, cân nặng, không bị dị tật, lời nói phát âm đúng chuẩn. Không nói lắp, nói ngọng. Thứ hai, về chữ viết: đẹp, biết trình bày bài viết thẩm mỹ, đặc biệt không sai chính tả. Giống như sơ tuyển nên kiểm tra sơ bộ cách xử lý các tình huống đơn giản trong cuộc sống. Thứ ba, kiểm tra một vài năng khiếu để tính điểm cộng trong tuyển sinh như: biết chơi thể thao, biết vẽ đẹp, hát hay, biết sử dụng một số nhạc cụ… Khâu cuối cùng, chúng tôi thấy khi xét tuyển cần chú ý chuyên môn sâu. Đào tạo giáo viên chuyên ngành nào thì môn thi chuyên ngành ấy phải được nhân hệ số. Ví dụ: đào tạo giáo viên toán, môn toán phải được nhân hệ số 2. Không thể chỉ cộng tổng điểm 3 môn và môn nào cũng đều có trọng số như nhau. Việc này gây ra hiện tượng, đào tạo giáo viên văn mà điểm thấp nhất là môn văn, điểm môn sử lại là điểm cao nhất vì học sinh này có năng lực môn sử. Đã đến thời kì “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nên chăng, tuyển sinh ngành sư phạm cũng nên thực hiện như tuyển sinh các ngành năng khiếu vậy. Vì giáo viên cũng là một nghệ sĩ.

Nguyễn Thanh Quang
(Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang)