Thứ hai, 7/3/2011, 11h03

Cần hướng dẫn HS cách tự học

Giống như các bộ môn khác, toán học cũng cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh (HS) không cảm thấy khô khan, ngán ngẩm khi học môn này.
Đối với bộ môn toán, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên (GV) phải chịu khó xây dựng hệ thống bài tập thật hợp lý và sát với đối tượng HS chứ không nên bám sát một cách máy móc theo sách giáo khoa (SGK). Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng như qua phản ánh từ các trường phổ thông, hiện nay chương trình SGK vẫn chưa sát với tình hình thực tế, không ít GV cho rằng kiến thức trong SGK nhiều chỗ còn khó hiểu. Bằng chứng là ngay các đề thi học kỳ và cuối cấp cũng có nhiều bài không liên quan với kiến thức trong SGK. Có bài tập toán THCS nhưng lại được nâng lên kiến thức của chương trình THPT nên thí sinh không đạt được điểm tối đa như đáp án và biểu điểm. (Không ít GV đã băn khoăn khi luyện tập tứ giác nội tiếp vì kiến thức có khoảng cách xa với nội dung ôn thi).
Để khắc phục tình trạng đó, GV khi dạy nên tìm cách tiếp cận với các loại đề thi thông qua chế độ “mịn” bài tập. Đây là cách để GV làm nhuyễn kiến thức một cách cụ thể và chi tiết hơn, qua đó giúp HS biết rõ hơn “đường đi nước bước” về cách giải một bài toán “có vấn đề”. Từng đi dự giờ ở các trường, tôi thấy dù tự phát nhưng nhiều thầy cô đã biết sử dụng bảng phụ trong khi giảng toán để gợi mở cách đào sâu suy nghĩ của HS. Khó khăn chung là phòng học nhỏ, chật chội trong lúc sĩ số HS quá đông nên muốn đổi mới phương pháp dạy, cụ thể là chia nhóm thì cũng khó thực hiện được. Một số tiết dạy có hiệu quả khi GV cho HS sử dụng bảng con, đưa ra những câu hỏi trao đổi nhóm khi hội ý. Nhiều GV đã thấy rõ hiệu quả cao của bảng tương tác nhưng không phải trường nào cũng có, chủ yếu các trường ở nội thành mới được trang bị bảng này (tại quận 4 chỉ có Trường TH Nguyễn Văn Trỗi mới được trang bị bảng tương tác, riêng bậc THCS vẫn chưa có trường trang bị). Do đồ dùng dạy học thiếu nên tại một số trường GV tự mày mò làm đồ dùng dạy học, điển hình như cô Nguyễn Thị Bích Vân (GV Trường THCS Chi Lăng). Cô Bích Vân đã sáng chế ra cây thước pa-ra-bôn sử dụng hai đầu, sau đó phóng to rồi đưa lên mạng.
Lâu nay, GV chỉ chú ý tới khả năng truyền giảng mà không chú ý tới cách hướng dẫn tự học. Chính cách tự học của HS mới là yếu tố quyết định hiệu quả học tập. Ngay cả kỹ năng hợp tác nhóm không phải ai cũng nắm được, chính vì thế khi thực hiện nhiều nơi còn mang tính hình thức và biểu diễn. Toán là môn khoa học tự nhiên nhưng vẫn có chất văn như qua các thao tác suy luận, trình bày lập luận, quy nạp, diễn dịch theo từng luận điểm. Thế nhưng không phải ai cũng biết điều này. Khi biết vận dụng được các thao tác đó trong bộ môn toán thì “con đường” mà GV “chỉ lối” cho HS yêu thích môn toán cũng không có gì gian nan và vất vả.
Lê Phước Huy
(Chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 4, TP.HCM)