Chủ nhật, 1/11/2015, 11h04

Cần kiên trì khi chữa bệnh lupus

Bé K. thường xuyên mệt mỏi và sốt cao trong thời gian điều trị

Lupus (lupus ban đỏ hệ thống) là căn bệnh ít gặp và ít người biết đến nhưng lại vô cùng nguy hiểm vì gây tổn thương nhiều đến các bộ phận trong cơ thể. Điều trị đúng cách và dự phòng các đợt cấp của bệnh sẽ có tác dụng thuyên giảm mức độ bệnh trong thời gian điều trị.

Nguy cơ tổn thương cao

Sau 3 tháng điều trị bệnh lupus tại bệnh viện, bé Trần Thị Thúy K. sinh năm 2006 tại tỉnh Phú Yên đã xuất viện do sức khỏe được phục hồi. Theo bệnh án tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bệnh nhi Trần Thị Thúy K. nhập viện trong tình trạng suy kiệt sức khỏe, sốt cao liên tục, có triệu chứng viêm phổi và một số bộ phận trong cơ thể bị tổn thương do bệnh lupus ban đỏ, mặc dù trước đó đã điều trị hơn 1 năm tại Trung tâm Truyền máu và huyết học TP.HCM. Theo BS Hoàng Thị Diễm Thúy - Trưởng khoa Thận - Miễn dịch, đây là một trong những ca bệnh nặng trong số 100 ca đang được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do tổn thương đa cơ quan nên việc điều trị vô cùng phức tạp. Theo BS Diễm Thúy, lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch của con người bị tấn công chính cơ quan và tế bào cơ thể làm cho chúng bị tổn thương và rối loạn chức năng. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm da, khớp, tế bào máu, thận, thần kinh, tim phổi... 

Về triệu chứng đầu tiên của bệnh lupus ban đỏ thấy rõ nhất là đau nhức khớp và sốt không rõ nguyên nhân. Sau đó xuất hiện những vết xước trên cơ thể như ban đỏ nhất là hai gò má làm cho người bệnh nhạy cảm với ánh sáng và lúc nào cũng thấy mệt mỏi và đuối sức. Thời gian chuyển bệnh có thể xảy ra rất nhanh hoặc từ từ tùy theo từng người. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng chung là mệt mỏi gầy ốm do sút cân, sau đó có thể viêm loét miệng và cả rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt. Do triệu chứng ban đầu rất mơ hồ kéo dài vài năm mới phát hiện được và tương tự như một vài căn bệnh khác nên nhiều người chủ quan mà không biết chính xác về căn bệnh lupus nguy hiểm này. Giai đoạn toàn phát của bệnh lupus chiếm tỷ lệ gần 50% bệnh nhân và thường làm cho các bộ phận khác trong cơ thể bị tổn thương như tràn dịch màng phổi (phổi), tràn dịch màng tim, viêm tim cơ (tim), viêm phổi, viêm cầu thận (thận) xuất huyết, thiếu máu (hệ tạo máu), rối loạn tâm thần, co giật thần kinh (hệ thần kinh). Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tử vong sau đó.

Chữa bệnh bằng lòng kiên trì

Theo khuyến cáo của BS, do chữa trị lâu ngày và nóng lòng muốn khỏi bệnh càng nhanh càng tốt, một số người điều trị bằng đông dược là điều không nên vì chưa có nghiên cứu nào kết luận tác dụng của thuốc đông dược đối với lupus ban đỏ hệ thống. Điều này, có thể gây ra những hậu quả xấu về tính mạng.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tịnh dưỡng, đặc biệt tránh sang chấn tâm lý nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nằm im một chỗ mà phải tăng cường vận động đi lại để hạn chế teo cơ hay cứng khớp để tìm được một không gian yên tĩnh. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã phải trải qua những khó khăn khi chữa trị bệnh lupus cho bệnh nhi Thúy K. vì bệnh kéo dài 2 năm và có chiều hướng xấu. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kháng sinh và trải qua truyền hồng cầu lắng, truyền kết tủa lạnh sau khi thay huyết tương 3 lần với độ tinh khiết cao. Khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nếu không có kinh nghiệm và chuyên môn cao rất dễ bị nhiễm trùng. Đó cũng là tình huống đã xảy ra với cháu Thúy K. khi bị nhiễm trùng nặng cấy máu còn thấy nhiễm nấm men nên sốt cao. Tuy nhiên nhờ thực hiện đúng phác đồ một cách kiên trì nên kết quả rất tốt.

Lupus ban đỏ hệ thống là căn bệnh tự miễn thường gặp ở phụ nữ trẻ nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân hay điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát căn bệnh này và chấp nhận “sống chung”. “Do không điều trị dứt bệnh nên bệnh nhân phải tái khám đúng kỳ, không bỏ thuốc điều trị kiên nhẫn chữa bệnh, có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng điều độ. Có như vậy mới ngăn chặn được sự bùng phát trở lại của căn bệnh” - BS Diễm Thúy căn dặn.

Bài, ảnh: Quang Phan

Theo khuyến cáo của BS Hoàng Thị Diễm Thúy, do chữa trị lâu ngày và nóng lòng muốn khỏi bệnh càng nhanh càng tốt, một số người điều trị bằng đông dược là điều không nên vì chưa có nghiên cứu nào kết luận tác dụng của thuốc đông dược đối với lupus ban đỏ hệ thống. Điều này, có thể gây ra những hậu quả xấu về tính mạng.