Thứ bảy, 30/1/2016, 22h06

Cần lắm dũng khí người thầy

Yêu thương thôi cũng chưa đủ để người thầy làm tốt nghiệp vụ sư phạm của mình, đặc biệt là các thầy cô làm công tác chủ nhiệm. Bản thân tôi với 35 năm trong nghề, và cũng ngần ấy năm làm công tác chủ nhiệm, giờ đã về hưu, tôi cũng rất cảm thông và sẻ chia với ý kiến của nhiều đồng nghiệp về việc này.

Ngày nay làm thầy rất khó, có cảm giác như có một sự trói buộc vô hình nào đó, và người thầy cứ cho qua mọi sự ngang ngược của học trò cho hết giờ lên lớp thì sẽ được “yên thân”. Cái định kiến về việc “nặng tay” khi xử lý học trò trong xã hội ngày nay là quá lớn. Việc đuổi học trò là điều cấm kỵ với những lý do rất nặng nề là: Nhà trường chưa làm hết trách nhiệm giáo dục, là vô cảm, là bất lực, là đẩy gánh nặng cho xã hội, và đặc biệt không có tình yêu thương con trẻ… Bản thân tôi, khi còn giảng dạy, tôi chưa dám đuổi một học sinh cá biệt nào. Tôi sợ nếu mà đuổi học, hoặc mời học sinh cá biệt ra khỏi lớp thì tôi bị quy cho cái tội là năng lực sư phạm yếu kém vì những định kiến nêu trên. Thầy cô chúng tôi, nhiều lúc phải ngậm ngùi chua chát thầm thì với nhau: “Ngày nay, trong trường học: Học trò là thượng đế”.

Quan niệm thất bại cay đắng nhất của người làm giáo dục là đuổi học trò đã từ lâu đè nặng trong tâm trí của người thầy làm cho người thầy ngán ngẩm, cho nên càng ngày càng có nhiều học trò hư và xã hội có nhiều con người mất hết nhân tính. Tình thương đặt không đúng chỗ sẽ tác hại về sau rất nhiều. Tôi cảm thông và sẻ chia với quan điểm là nếu cần thì đuổi một học sinh cá biệt để cứu cả tập thể, cũng giống như cắt bỏ một cành cây sâu không cứu chữa được để cứu lấy sự sống của một cây là điều nên làm; và theo tôi đây chính là cái dũng khí của người thầy. Người ta thường nói: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Các nhà quản lý giáo dục cấp trên hãy vì mục đích tốt đẹp cuối cùng của sự nghiệp giáo dục mà mở lòng ra với cách ứng xử của thầy cô đối với học sinh cá biệt để họ có được cái dũng khí của người thầy.

Bảo Nhi (Đà Nẵng)