Thứ năm, 12/11/2015, 22h11

Cần một phương pháp tốt

Theo đánh giá, lối học quy chiếu về nhân vật sẽ khiến học sinh thích học môn sử hơn. Trong ảnh: Học sinh tiểu học trong một hoạt cảnh kéo pháo vào trận địa. Ảnh: N.TRinh

Học sinh không xem nhẹ môn học nào cả, các em rất công bằng với các môn học. Tôi tự tin về điều này.

Nếu không được cha mẹ yêu cầu học toán, lý, hóa để thi vào các ngành kinh tế, tài chính hay học toán, tiếng Anh, văn để thi vào ngoại thương... thì học sinh cũng sẽ học môn lịch sử như các môn “phụ” thể dục, giáo dục công dân... mà thôi. Và nếu phương pháp dạy học lôi cuốn, được tạo hứng thú từ giáo viên thì chắc chắn học sinh sẽ không “bỏ rơi” môn học này.

Học… đối phó

Vì đâu môn sử bị “ghẻ lạnh” trong các kỳ thi tuyển sinh và trong thời gian học tại trường trung học? Đầu tiên sơ lược về quá trình học và kiểm tra đánh giá học sinh. Mỗi kỳ học có một cột điểm kiểm tra miệng, một cột điểm 15 phút, hai con điểm một tiết, và một con điểm học kỳ. Ngoài ra, có trường cho học sinh tham quan di tích lịch sử, địa danh nào đó sau đó làm bài thu hoạch… Với cách đánh giá kết quả học tập môn sử như vậy, ắt hẳn ta đã thấy vấn đề tại sao có tâm lý xem nhẹ rồi. Vì nếu không học vì yêu mến, không học để thi tuyển thì chẳng cần học nhiều cũng có kết quả “đạt yêu cầu”. Thi học kỳ chỉ cần khoảng 10 câu hỏi kèm soạn sẵn phần trả lời. Khoảng 3 đến 5 câu cho kiểm tra một tiết trong năm học. Dù có giáo viên tâm huyết kêu gọi học trò của mình học để biết cội nguồn, biết lịch sử chống xâm lăng, biết trân quý và yêu Tổ quốc... thì tâm lý có đề cương mới học bài, cứ gần thi là học và học tốt chừng đó đề cương là được, vì đó là hệ số hai. Còn điểm 15 phút hay điểm miệng thấp cũng chẳng sao. Lối kiểm tra đó dẫn tới lối học đối phó chứ không phải hoàn toàn học sinh làm biếng, không thích học sử đâu.

Dạy theo đề cương

Cách dạy học của giáo viên hiện nay là cùng trò học thuộc dữ kiện, số liệu... trong trận đánh này, trận đánh kia. Sau đó nêu nguyên nhân thắng, bại, ý nghĩa, bài học lịch sử... Bài nào, chương nào và quyển sách sử của lớp nào cũng chừng đó. Nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán với cách dạy kiểu như thế và có lẽ cũng đồng ý luôn với kiểu học đề cương như trên cho khỏe.

Thực trạng này ai cũng thấy, cũng biết, nhưng sao không thấy trường nào, thầy cô nào thay đổi? Sao giáo viên không mạnh dạn dạy học theo hướng phân tích sự kiện, không thấy dạy theo cách cho học sinh nhận định và phản bác vấn đề?... Chắc là giáo viên dạy sử chẳng muốn để lãnh đạo phê bình là dạy sai quy chế, dạy như thế là “sai đường lối” vì sẽ có những điều “nhạy cảm” chưa được phép đưa vào trường trung học (mặc dù có thể rõ rành rành ai cũng biết). Và giáo viên càng không muốn nhận phiếu đánh giá là dạy kém, không hoàn thành nhiệm vụ khi biết đâu đổi mới phương pháp mà học sinh lại bị điểm kém!... Vì vậy cố mà vớt vát, cứu học trò bằng đề cương soạn, chỉ yêu cầu học thuộc hết là xong. Nên hễ giáo viên phát đề xong là học sinh cười vang vì “trúng tủ”, ngược lại thì ỉu xìu vì bị “tủ đè”.

Nếu mỗi tiết học, học sinh được nhận định, được đánh giá, được bình phẩm, được nêu quan điểm, được phân tích dựa trên sự tìm tòi hiểu biết (dù là chưa hoàn toàn chính xác) thì tôi nghĩ kết quả dạy môn sử sẽ khác, chứ đến nỗi học hết phổ thông mà không biết gì về sử nước nhà! Thiết nghĩ, lối học quy chiếu về nhân vật sẽ thành công hơn là lối học theo trình tự sự kiện.

Việt Kiến Quốc (TP.HCM)

Nhân vật trong phim lịch sử luôn có sức hút

Một bộ phim điện ảnh hay truyền hình về nhân vật lịch sử luôn cuốn hút, hấp dẫn và đi vào trí nhớ con người hơn là bộ phim tài liệu (phim tài liệu nên dành cho người nghiên cứu). Vì thế, sự kiện xảy ra xung quanh nhân vật qua lời kể, lời bình của giáo viên có tính định hướng sẽ giúp học sinh dễ nhớ hơn...