Thứ sáu, 3/2/2012, 15h02

Cần thay đổi cách thức đánh giá giáo dục

(Tiếp theo và hết)

Các kỳ thi luôn gây tâm lý căng thẳng cho học sinh. Ảnh: T.L

Điều đầu tiên chúng ta cần làm là hãy trả công việc đánh giá về với vị trí, bản chất vốn có của GD. Nghĩa là phải xã hội hóa việc đánh giá kết quả GD; mọi lực lượng GD ở trong và ngoài nhà trường đều có quyền tham gia vào việc đánh giá đó. Điều này không chỉ làm cho việc đánh giá khách quan, chính xác, công bằng hơn, mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc dạy thật, học thật; hạn chế được việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Bởi vì chất lượng học tập của học sinh hiện nay là nhu cầu tự thân mạnh mẽ của chính giáo viên do việc cho điểm bây giờ không còn tùy tiện như trước. Miễn là thầy cô, nhà trường công khai công bố đáp án, biểu điểm bài kiểm tra với học sinh cùng các lực lượng hữu quan, trả bài kiểm tra đó về cho các em và những người quan tâm xem xét.
Với tinh thần đó, tất cả các bài kiểm tra viết hàng ngày, cuối kỳ, cuối năm, giáo viên phải có đáp án, biểu điểm cụ thể. Khi chấm, cho điểm từng phần ở bên lề tờ giấy làm bài rồi cộng lại thành điểm số chung của bài kiểm tra. Chấm xong, trả bài làm lại cho học sinh; công bố đáp án, biểu điểm, cho các em kiểm tra lại việc chấm của thầy theo đáp án, biểu điểm đã công bố. Nếu sai, các em có quyền khiếu nại để thầy trò cùng thống nhất với điểm số đúng đắn cho bài làm. Học sinh còn đổi bài, kiểm tra lại cho nhau để ngăn ngừa thầy cô cố ý cho điểm sai vì quan hệ riêng tư. Đối với bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm cũng làm như vậy. Những bài này đã được rọc phách và chấm tay đôi nên trước khi trả về cho học sinh, giáo viên bộ môn sẽ kiểm tra trước và đây là khâu kiểm tra khá chính xác. Ngoài giáo viên bộ môn, học sinh thì phụ huynh và bất cứ ai quan tâm đều có quyền xem xét việc chấm bài kiểm tra hàng ngày hay cuối kỳ, cuối năm và có quyền chất vấn, khiếu nại khi chấm sai.
Xét tốt nghiệp THPT có thể thực hiện như sau: Lập bảng tổng hợp kết quả học tập tất cả các môn học từ lớp 10-12 rồi tính điểm tổng kết chung cho từng môn cả 3 năm theo hệ số, trong đó lớp 10 hệ số 1; lớp 11 hệ số 2; lớp 12 hệ số 3 (điểm trung bình chung của tất cả các môn ở mỗi lớp cũng tính theo hệ số như trên). Việc xét tốt nghiệp sẽ căn cứ vào điểm trung bình chung tất cả các môn của toàn cấp. Cách xét tốt nghiệp như vậy sẽ toàn diện, chính xác vì các điểm tổng kết đó là kết quả của một quá trình xã hội hóa việc đánh giá từ từng bài kiểm tra trong cả 3 năm.
Nếu xã hội hóa được việc đánh giá kết quả học tập của học sinh như vậy thì việc đánh giá đó hoàn toàn chính xác, khách quan, công bằng. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thay kỳ thi tốt nghiệp với 6 môn ở lớp 12 bằng kiểm tra cuối năm tất cả các môn ở lớp 12 mà đề kiểm tra, đáp án, biểu điểm vẫn do Bộ GD-ĐT ra để có chuẩn đánh giá chung trong cả nước. Với phương pháp xã hội hóa việc đánh giá kết quả các bài kiểm tra như đã trình bày ở trên, học sinh sẽ được kiểm tra tại trường. Nếu cần chỉ đổi 1/2 giám thị và chấm chéo trường. Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ làm như sau: Lập bảng tổng hợp kết quả học tập tất cả các môn học từ lớp 10-12 rồi tính điểm tổng kết chung cho từng môn cả 3 năm theo hệ số, trong đó lớp 10 hệ số 1; lớp 11 hệ số 2; lớp 12 hệ số 3. Điểm trung bình chung của tất cả các môn ở mỗi lớp cũng tính theo hệ số như vậy. Việc xét tốt nghiệp sẽ căn cứ vào điểm trung bình chung tất cả các môn của toàn cấp. Cách xét tốt nghiệp như vậy sẽ toàn diện, chính xác vì các điểm tổng kết đó là kết quả của một quá trình xã hội hóa việc đánh giá từ từng bài kiểm tra trong cả 3 năm. Nhất là các môn học ở lớp 12 đều được kiểm tra hết, đề vẫn do bộ ra chứ không chỉ kiểm tra 6 môn như hiện nay. Cách làm này buộc học sinh phải cố gắng học ngay từ lớp 10; càng cuối cấp càng cố vì hệ số càng cao.
Trên cơ sở xét tốt nghiệp một cách toàn diện, chính xác như vậy thì việc xét tuyển vào ĐH, CĐ hay các trường chuyên nghiệp đều có thể dựa vào kết quả tốt nghiệp của mỗi thí sinh làm căn cứ mà không cần phải tổ chức thi tuyển cho tốn kém, vất vả mà lại không được chính xác. Có điều để phân hóa cao trình độ học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tuyển sau này thì điểm trung bình chung của tất cả các môn học cho toàn cấp lấy tới 3 số lẻ. Các trường ĐH, CĐ xét tuyển chỉ việc căn cứ vào điểm trung bình chung của tất cả các môn học toàn cấp và điểm tổng kết toàn cấp của 3 môn học theo khối xét tuyển. Với cách làm trên, chúng ta có thể yên lòng vứt bỏ chiếc vòng kim cô thi cử từng đè nặng lên bao lớp học sinh nhiều năm nay. Theo đó, các lò luyện thi ĐH sẽ không còn người học. Tự khắc nó phải giải tán. Song để làm được điều này, cần có hành lang pháp lý đảm bảo.
Một điều cần nói thêm là nội dung, yêu cầu các đề kiểm tra hàng ngày hay cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp nên đổi mới theo yêu cầu hướng ngoại; nghĩa là đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn chứ không hướng nội như hiện nay; tức chỉ kiểm tra mức độ thông hiểu, nắm vững kiến thức.
Vũ Duy Yên  
(Trường CĐ Sư phạm Thái Bình)
 LTS: Trong số báo trước, tác giả đề cập đến khía cạnh nền giáo dục (GD) Việt Nam còn nặng về thi cử, gây tốn kém tiền của mà hiệu quả không được như mong đợi. Ở số báo này, bài viết đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng GD.