Thứ ba, 16/5/2017, 21h39

Cần thay đổi giá đền bù, giải tỏa

Chiều 16-5, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tổ chức Hội nghị “Phản biện xã hội đối với Dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP”. Ông Vũ Thanh Lưu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP chủ trì hội nghị.

Dự án khu đô thị Suối Tiên trên 10 năm chưa thỏa thuận đền bù được với người dân (P.Tân Phú, Q.9). Ảnh: Q.Huy

Tại đây, ông Vũ Thanh Lưu cho biết, ngày 1-7- 2017 Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở Luật Đất đai, các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ - ngành có liên quan, ngày 15-5-2015 UBND TP đã có Quyết định số 23 ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.

Qua hơn một năm triển khai, đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc mà chủ yếu là do chưa có quy định, chưa phù hợp với thực tiễn của TP. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hỗ trợ cho người dân trong diện thu hồi đất, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, tránh trường hợp cục bộ pháp lý về nhà - đất, nhưng mức bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 23 lại thấp hơn so với các quy định cũ.

“Để phát huy trí tuệ của các tổ chức thành viên, các tầng lớp tri thức TP, của các tầng lớp nhân dân, cử tri, các nhà khoa học trong việc phản biện xã hội, Dự thảo sửa đổi Quyết định 23 của TP khi được ban hành sẽ đảm bảo đầy đủ, đúng luật, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân” - ông Lưu nhấn mạnh.

Sửa đổi Quyết định 23 là cần thiết

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Minh Thơ - Trưởng phòng Hỗ trợ, Tái định cư, Sở TN-MT - cho biết, những vấn đề cử tri, người dân nằm trong diện di dời, giải tỏa bức xúc là giá trị đền bù thấp, có những khu đất sự chênh lệch trong đền bù cho dân với giá thị thường lên tới hàng chục tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Đoàn luật sư TP - cho rằng, việc sửa đổi Quyết định 23 là cần thiết. Vì có những trường hợp khi thu hồi đất, TP không có quỹ đất để di dời cho dân. Việc đền bù cho dân, nhất là những dự án thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, TP cần quy định doanh nghiệp và người bị thu hồi phải có thỏa thuận thỏa đáng cho nhau. Không thể để việc doanh nghiệp thu hồi đất đền bù cho dân thấp nhưng sau đó bán ra thị trường với một mức giá cao gấp hàng trăm lần đền bù cho dân. Và phải phát huy được vai trò giám sát của dân, có như vậy mới thể hiện được tính minh bạch của luật trong thu hồi đất. Chính việc này dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, bức xúc kéo dài.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Sanh - Chuyên gia đô thị TP - khẳng định, muốn tránh được việc người dân khiếu kiện kéo dài, việc sửa đổi Quyết định 23 là cần thiết. TP.HCM là một trong những địa phương rất “yếu” trong việc công bố chỉ số giá (2 năm qua không công bố được), tại sao các địa phương khá lại làm được việc này? Sở TN-MT nên tham mưu cho UBND TP làm được việc này, có vậy các quận, huyện mới căn cứ vào đó để công khai cho người dân biết. Còn nếu đẩy trái banh về cho các quận, huyện dễ dẫn tới việc “xin - cho”...

Sửa đổi nhưng không để trái luật

Nêu lên những khó khăn, bức xúc của người dân trong diện di dời, thu hồi đất tại cơ sở, ông Mai Thanh Hải - Ủy ban MTTQVN Q.9 nói: Việc Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án theo quy hoạch nhưng làm ảnh hưởng đến cả khu đất của người dân, phân chia đất của người dân ra nhiều mảnh nhỏ khiến người dân hạn chế khai thác công dụng của đất. Thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp sau quy hoạch đối với diện tích đất còn lại nhỏ, ngoài ranh dự án mà người dân không có nguyện vọng bàn giao cho Nhà nước. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, vận động, giá đền bù cao hơn các trường hợp bị thu hồi đất để thu hồi đất đồng loạt và đất này phải đưa vào diện đất công do Nhà nước quản lý.

Giải trình những vấn đề đại biểu nêu, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở TN-MT TP - khẳng định, vấn đề thu hồi đất, bồi thường tái định cư là vấn đề cốt lõi trong việc sửa đổi Quyết định 23 của TP. Đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với dự thảo. Sở TN-MT sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại những điều sẽ thay thế, bổ sung nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp khi muốn tiếp cận sẽ đọc dễ hiểu hơn. Và “Dứt khoát không để trái luật. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của TP thì mới sửa đổi, còn không thuộc thẩm quyền thì sẽ xin ý kiến Chính phủ và các bộ - ngành Trung ương”, ông Hồng nói.

Lê Quang Huy