Thứ năm, 30/3/2017, 22h31

Cần Thơ: Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017

Ngày 29-3, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị về kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo thống kê, năm nay TP.Cần Thơ có 8.864 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, thí sinh hệ THPT có 8.202 em, thí sinh hệ GDTX có 662 em. Dự kiến có 22 điểm thi với 383 phòng thi, đặt tại 9 quận/huyện.

Tiết ôn tập môn địa tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.Cần Thơ

Tại hội nghị, bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) cho biết nhằm giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới và có định hướng đúng trong việc chọn môn thi phù hợp khả năng của mình, Sở GD-ĐT đã tổ chức thi kiểm tra học kỳ I các môn thi THPT quốc gia (9 môn - PV) bằng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó phần câu hỏi trắc nghiệm tuân thủ thời lượng làm bài, số lượng câu hỏi theo cấu trúc đề thi minh họa từng môn của Bộ GD-ĐT. “Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức nghiêm túc các kỳ kiểm tra giữa kỳ, thi kiểm tra học kỳ II, tổ chức thi thử cho học sinh theo đúng cấu trúc đề minh họa Bộ GD-ĐT ban hành. Căn cứ vào quá trình học tập và kết quả kiểm tra môn học của học sinh, các trường có cơ sở để tư vấn cho các em chọn bài thi chính thức”, bà Thắm nói.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức tập huấn phương pháp xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho tất cả giáo viên dạy lớp 12 các môn thi THPT; kỹ thuật ra đề trắc nghiệm và sử dụng phần mềm trộn đề trắc nghiệm. Xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm các môn toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, GDCD; đồng thời tiến hành thẩm định ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan cho từng môn để giáo viên và học sinh tham khảo.

TS. Nguyễn Phúc Tăng (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) cho hay: “Sở GD-ĐT thực hiện nhiều biện pháp, tiến hành thanh tra, kiểm tra để quản lý tốt hoạt động dạy và học tại các trường, nhất là việc thực hiện định hướng mới trong giảng dạy và kiểm tra. Chỉ đạo giáo viên vừa dạy vừa ôn tập theo hình thức cuốn chiếu để học sinh nắm vững từng nội dung kiến thức một cách hệ thống. Phân loại học sinh trong quá trình ôn tập, tư vấn giúp các em có định hướng lựa chọn đúng đắn bài thi, tổ hợp môn thi phù hợp năng lực; đồng thời tổ chức cho giáo viên và học sinh học tập quy chế thi THPT quốc gia 2017, để không xảy ra trường hợp nào vi phạm quy chế trong kỳ thi”.

Hiện nay hầu hết trường THPT ngoài việc tăng tiết vào giờ chính khóa các môn toán, văn, ngoại ngữ, GDCD còn tổ chức ôn thi cho học sinh vào buổi chiều. Các giáo viên dạy lớp 12, ngoài môn văn, đều xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm để ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh số đông học sinh chăm chỉ học tập, vẫn còn không ít em không tập trung cho việc học và tin vào may rủi khi làm bài thi trắc nghiệm. Thực tế, tại nhiều trường, trong các kỳ thi học kỳ, kiểm tra, dù đề trắc nghiệm đã được trộn nhưng vẫn có học sinh đạt điểm cao dù học lực rất yếu. Một giáo viên dạy môn địa cho biết: “Lớp của tôi có một học sinh thường xuyên trốn học, nhiều khi vào lớp không mang theo tập vở, khi thầy cô giảng bài thì ở dưới em làm việc khác; không thèm nghe giảng, chép bài. Vậy nhưng thi kiểm tra học kỳ I vừa qua em đạt điểm cao ở những môn thi trắc nghiệm, trong đó môn địa được 7,5 điểm”. Từ thực tế này, nhiều giáo viên kiến nghị Bộ GD-ĐT: kỳ thi THPT quốc gia tới cần cho điểm liệt là 2 thay vì điểm 1 như hiện nay, như vậy mới đánh giá tương đối sát năng lực, trình độ thí sinh.

TS. Tăng lưu ý: Qua kiểm tra và dự giờ tại các trường THPT, còn một số học sinh chưa nắm rõ quy chế thi và lịch thi THPT quốc gia. Do đó, các trường cần làm tốt việc triển khai quy chế thi để không có thí sinh bị cấm thi vì đến phòng thi sau khi mở đề 15 phút. “Có những tiết ôn tập, 45 phút nhưng giáo viên chỉ ôn được 5 câu. Vậy là không ổn đối với phương pháp dạy và kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Qua các kỳ kiểm tra, nhà trường phải xác định đúng năng lực của học sinh và trao đổi với phụ huynh, để cùng tư vấn cho các em chọn tổ hợp bài thi theo thế mạnh của mình, không đăng ký tổ hợp bài thi theo đám đông. Đối với những học sinh đăng ký 2 tổ hợp, giáo viên bộ môn kết hợp giáo viên chủ nhiệm giúp các em xác định tổ hợp chủ lực để tập trung ôn tập. Nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn, định hướng cho học sinh để tránh bị phụ huynh đổ thừa là ép học sinh đăng ký 2 tổ hợp bài thi…”, TS. Tăng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đan Phượng