Thứ ba, 14/8/2018, 21h12

Cần tránh học một đằng, thi một nẻo

Từ kết quả thi THPT quốc gia 2018 môn toán quá thấp (ngày 6-8, Giáo dục TP.HCM đã đăng bài Cần thay đổi cách ra đề môn toán), theo thầy Đỗ Khánh Giang (Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), Bộ GD-ĐT cần có một định hướng soạn đề thống nhất, rõ ràng, khoa học hơn cũng như cung cấp những sự chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy và học môn toán trong nhà trường.

Theo thầy Giang, từ phổ điểm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, có thể nhận thấy vẫn còn đến 49,52% thí sinh có điểm dưới 5, dù trong đề có khoảng 50% đến 60% câu hỏi được đánh giá là cơ bản và đa phần đã được giới thiệu trong đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Con số tương ứng của năm 2017 là 48,33%. Trong khi đó, điểm bình quân môn toán năm 2018 là 4,86. Con số tương ứng của năm 2017 là 5,19. Số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên là 561 (bao gồm cả số bài thi được nâng khống điểm). Con số tương ứng của năm 2017 là  21.511. Như vậy, nhìn tổng thể thì có vẻ như Bộ GD-ĐT đã thành công trong việc giảm cơn mưa điểm 9-10, nhưng đồng thời lại tăng tỉ lệ học sinh dưới 5, kéo điểm bình quân xuống dưới 5.

Từ kết quả trên, nhìn nhận lại đề toán (xin chọn mã đề 101 để nhận xét). Đề đã hạn chế được thói quen dùng máy tính casio thay thế tư duy toán học. Những câu cơ bản nhìn chung bám sát sách giáo khoa và đề minh họa (trừ câu 16 về lãi suất). Nhưng các câu vận dụng, đặc biệt là vận dụng cao thì thực chất lại là những bài toán tự luận được trắc nghiệm hóa. Học sinh khó có thể suy nghĩ và làm trong vòng 2-3 phút được. Do đó, ban ra đề trong các năm sau cần chọn những câu mang tính thông minh, chỉ cần sử dụng tư duy toán học để giải nhanh, giảm bớt số lượng câu mang tính “bất khả thi”, vì sẽ làm cho thí sinh hoang mang, chọn bừa đáp án. Những bài toán thực tế khi đưa vào đề cần chú ý đầu tư nhiều hơn, tránh tình trạng toán thực tế nhưng cách hỏi và đáp án lại phi thực tế. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần công bố rộng rãi hướng dẫn giải chi tiết các câu trong đề, đặc biệt là các câu vận dụng cao.

Bên cạnh đó, thực tế việc dạy và học môn toán trong nhà trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập: giáo viên và học sinh vẫn chưa có đủ thời gian để làm quen với hình thức thi trắc nghiệm. Hệ thống câu hỏi trắc nghiệm trong sách giáo khoa còn sơ sài. Tài liệu “chính thống” duy nhất là các đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT ban hành (cuối tháng 1-2018). Điều này làm cho học sinh và cả giáo viên phải tự thân vận động, thường là dựa vào các tài liệu trên internet hoặc các sách tham khảo. Bên cạnh đó, các văn bản quy định về hình thức kiểm tra học kỳ môn toán lớp 12 vẫn còn ràng buộc với cách cho đề Tự luận kết hợp trắc nghiệm, gây khó khăn cho giáo viên và học sinh.

Để đảm bảo cho việc dạy, học và thi tốt môn toán trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT cần công bố nhiều hơn và sớm hơn hệ thống các đề mẫu từ năm học 2018-2019 trở đi. Cần cho học sinh được tiếp cận sớm hình thức làm bài trắc nghiệm từ trong năm học, tránh tình trạng “học một đàng, thi một nẻo”. Dù thi trắc nghiệm, học sinh vẫn cần phải học chắc kiến thức và nắm vững phương pháp giải toán, tránh sa đà vào các mẹo, công thức nhanh, dựa vào máy tính casio…

Yến Hoa (ghi)