Thứ tư, 28/10/2015, 09h36

Cẩn trọng khi chạy theo nhu cầu nhân lực

Em Đinh Thị Ngọc Ánh, học lớp 12A1 Trường THPT Tân Phong đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Nhiều chuyên gia cảnh báo, các bạn trẻ cần định hướng đúng nghề nghiệp khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cẩn trọng khi chạy theo nhu cầu nhân lực bởi nếu ào ạt tập trung vào một ngành thì đến lúc ra trường tính cạnh tranh về việc làm sẽ rất cao.

Đó là những nội dung được các chuyên gia phân tích kỹ tại chương trình hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 26-10 tại Trường THPT Tân Phong.

Cần rất nhiều nhân lực trình độ cao

Hiện nay, cả nước có hơn 200 trường ĐH đào tạo khoảng 300 ngành khác nhau. Trong đó, nhiều nhóm ngành tiếp tục giữ vị trí cao trong nhu cầu tuyển dụng.

Ông Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn - Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết nhóm ngành công nghệ kỹ thuật là nền tảng quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia vì nó hiện diện ở mọi mặt của đời sống. Trong khi đó nhóm ngành kinh tế có thể có lúc thăng lúc trầm nhưng nhóm ngành này luôn luôn cần, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Bởi vậy, hiện nhóm ngành này tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng nhu cầu nhân lực cao nhất trong tổng các nhóm ngành với 35%. Tuy nhiên, điều kiện để làm tốt trong nhóm ngành này là người lao động phải học khá, giỏi các môn tự nhiên, có tính kiên trì, nhẫn nại và niềm đam mê.

Những năm gần đây kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động ảnh hưởng không ít đến lợi ích của người lao động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dự báo nhóm ngành kinh tế - tài chính đang hồi phục và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. “Cuối năm 2014, kinh tế bắt đầu khôi phục nên nhóm ngành kinh tế - tài chính bắt đầu phát triển mạnh lại, chiếm 33% nhu cầu nhân lực. Năm 2015 cần 70.000 người lao động trong nhóm ngành này. Hiện Việt Nam đã trở thành thành viên của TPP và cuối năm nay lại gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN nên kinh tế sẽ tiếp tục sôi động. Tuy nhiên, để đứng vững trong nhóm ngành này, ngoài kiến thức, kỹ năng mềm, người lao động cần phải có kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ”, bà Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM,  chia sẻ.

Tương tự, hiện nay CNTT cũng là một trong những nhóm ngành cần nhiều nhân lực và đã được Nhà nước xác nhận là một trong những ngành trọng điểm quốc gia. Ông Phan Viết Thế, Phó Giám đốc đào tạo hệ thống Lập trình viên quốc tế Aprotrain - Aptech, khẳng định: “Theo khảo sát, CNTT là một trong 4 nhóm ngành có mức lương cao nhất hiện nay. Về nhu cầu nhân lực, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần có 1 triệu nhân lực nhưng đến thời điểm này chúng ta mới chỉ có hơn một nửa nhân lực này. Nhóm ngành CNTT có rất nhiều chuyên ngành như phần mềm, phần cứng, quản trị mạng, hệ thống thông tin… nên các em phải tìm hiểu kỹ để xác định học chuyên ngành nào”.

Đừng đổ xô vào một nhóm ngành

Khi chọn ngành, học sinh cần biết nhu cầu nhân lực trong tương lai nhưng đây chỉ là thông tin tham khảo. Các em cần tìm hiểu thêm sở thích, năng lực bản thân chứ không nên đổ xô vào học theo nhu cầu nhân lực. Đó là những lời khuyên của các chuyên gia tư vấn.

TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐHQG TP.HCM), phân tích: Kỳ tuyển sinh năm 2014, nhiều trường “ế” ngành tài chính - ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngành này vẫn rất cao nhưng vì quy mô đào tạo cao dẫn đến cạnh tranh về việc làm. TS. Mai nhấn mạnh: “Vào ĐH đã khó, học để khẳng định “thương hiệu” của mình lại càng khó hơn. Việc nhìn vào con số ngành có nhu cầu nhân lực lớn rồi chọn theo học là một sai lầm”.

Giải đáp câu hỏi “Chọn ngành như thế nào để khẳng định được “thương hiệu” của mình?”, TS. Võ Thị Tường Vy, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Khi chọn nghề, các em phải hiểu nghề, hiểu những yêu cầu, tiêu chí, khó khăn… của nghề để bản thân mình quyết định. Để hiểu được nghề, các em cần thực hiện 4 bước như: Lăn xả vào nghề, bung mình ra với những hoạt động ngoại khóa để thấy được mình có những kỹ năng gì thích ứng với nghề nào; làm những bài test tâm lý về năng lực nghề để hiểu mình phù hợp với những nghề nào, sở thích nào?; quan sát sự trưởng thành của mình, lấy bút gạch xem trong suốt 12 năm học mình say mê, yêu mến những tiết học nào; lắng nghe người thân như bố mẹ, thầy cô, bạn bè về những điểm mạnh, điểm hạn chế của mình để có cách hiểu toàn diện hơn về bản thân.

Bài, ảnh: Dương Bình

Sau THPT, các em có nhiều ngã rẽ

Trao đổi với học sinh, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết Bộ GD-ĐT luôn tạo cơ hội cho các em chọn đúng ngành, đúng sở thích nhưng thực tế là đại đa số thí sinh vẫn muốn vào ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có khoảng 1 triệu học sinh đăng ký dự thi nhưng có đến 72% xác định chắc chắn lấy kết quả để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Kỳ xét tuyển ĐH, CĐ này các trường ĐH tuyển được 97,6% chỉ tiêu (415.000 sinh viên), CĐ tuyển được 63,2% chỉ tiêu. Điều này cho thấy các em luôn muốn ra trường có việc làm ngay nhưng lại chạy vào ĐH. Sau THPT, các em có nhiều ngã rẽ, ngoài ĐH và CĐ, các em có thể vào TCCN, TC nghề hoặc CĐ nghề. Đây là hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà khi học xong, cơ hội nghề nghiệp của các em khá cao.