Thứ ba, 22/12/2015, 10h53

Cẩn trọng với thuốc kích sữa

Một số bà mẹ trẻ thường lo lắng khi đang nuôi con bằng sữa mẹ bỗng dưng sữa giảm dần. Càng lo lắng, sữa càng giảm và không ít người phải cầu viện đến thuốc kích sữa.

Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quý giá với trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi - Ảnh: T.T.D.
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quý giá với trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi - Ảnh: T.T.D.

Phụ nữ cho con bú khi dùng thuốc thì hầu hết các tác động của thuốc đối với quá trình tiết sữa đều thực hiện thông qua hormone prolactin.

Vì thế, người mẹ đang cho con bú ngoài việc cần tránh dùng những thuốc không tốt đối với trẻ, còn phải tránh dùng những thuốc ngăn cản sự tiết sữa hoặc ức chế phản xạ bú của trẻ.

Còn thuốc kích thích tiết sữa thì thế nào?

Thuốc không nên dùng

Ở những bà mẹ bị thiếu sữa do nồng độ prolactin không đủ cao nhưng vẫn có đủ số lượng các nang tạo sữa, việc sử dụng một số thuốc ức chế các thụ thể dopamine ở vùng dưới đồi trên não có thể gây tăng tiết prolactin từ tuyến yên và kích thích tạo sữa.

Một số thuốc an thần mạnh dùng trị bệnh tâm thần phân liệt (loạn trí) có tác dụng đối kháng dopamine nên có tác dụng kích thích tạo sữa.

Tuy tác dụng lợi sữa của các thuốc này có thật nhưng tác dụng phụ gây hại ngoại tháp (gây co giật, ưỡn người như bị động kinh) và nhất là nồng độ cao của thuốc được bài tiết vào sữa có thể gây hại trẻ bú. Thuốc này hoàn toàn không được bác sĩ dùng để kích thích sự tiết sữa.

Có một số thuốc khác có tác dụng kích thích sự tiết sữa nhưng không được chỉ định cho bà mẹ cho con bú vì lợi bất cập hại: thuốc trị cao huyết áp methyldopa, thuốc trị hen suyễn theophyllin gây nhiều tác dụng phụ có hại.

Thuốc dùng 
rất thận trọng

Metoclopramide và domperidone từng được sử dụng nhiều nhất cho mục đích này nay phải dùng rất thận trọng. Metoclopramide với liều thường sử dụng là 10-15mg, 3 lần/ngày, làm tăng rõ rệt lượng sữa bài tiết sau 3-4 ngày dùng thuốc.

Còn domperidone là thuốc kích thích bài tiết prolactin, một số nghiên cứu cho thấy domperidone có thể làm tăng thể tích sữa khoảng 44,5% sau 7 ngày, nồng độ của thuốc có trong sữa rất nhỏ (khoảng 1,2 mg/ml).

Domperidone từng được xem an toàn hơn so với metolclopramide vì không qua hàng rào máu não, do đó không có tác dụng phụ của hệ thần kinh để gây tác dụng phụ ngoại tháp.

Trước đây, bác sĩ thường chỉ định domperidone cho phụ nữ cho con bú vì vừa chữa chứng khó tiêu cho mẹ vừa giúp sữa tiết nhiều hơn cho con bú.

Tuy nhiên, nay phải cẩn trọng hơn vì domperidone đã được phát hiện có tác dụng phụ không tốt cho tim mạch. Domperidone chỉ được dùng trị buồn nôn và nôn, không dùng trị khó tiêu nữa.

Tác dụng kích thích tiết sữa được ghi nhận ở một số thuốc nhưng tới nay việc sử dụng tác dụng này như chỉ định chính thức thì chưa có.

Bác sĩ có thể sử dụng thuốc kích thích tiết sữa như chỉ định ngoài nhãn khi thấy quá cần thiết và sau khi cân nhắc thật kỹ lợi ích nhiều hơn nguy cơ có hại.

Với các bà mẹ cho con bú nói chung, nếu muốn dùng thuốc kích thích sự tiết sữa, nên đến bác sĩ để được tư vấn. Vì như nói ở trên, có loại thuốc kích thích sự tiết sữa nhưng không được dùng, có loại có thể dùng nhưng đòi hỏi phải rất thận trọng.

Cần lưu ý, bà mẹ đang cho con bú là một đối tượng đặc biệt trong sử dụng thuốc (giống như phụ nữ có thai). Không nên nghe lời đồn đãi tự ý sử dụng thuốc. Dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ là tốt hơn cả.

Con bú đều, 
mẹ ăn đủ

Sự tổng hợp và bài tiết sữa mẹ ở phụ nữ cho con bú được điều hòa và kiểm soát chủ yếu thông qua prolactin, một hormone được bài tiết từ tuyến yên trên não.

Nồng độ hormone này thường tăng cao nhất trong 2 tuần đầu sau khi phụ nữ sinh đẻ để có sự bài tiết sữa, sau đó giảm dần và trở về mức bình thường sau 6 tháng. Tăng hay giảm nồng độ prolactin trong máu là yếu tố quyết định sự bài tiết sữa.

Trước khi tính chuyện dùng thuốc kích thích sự tiết sữa, người mẹ đang cho con bú nên lưu ý thực hiện một số việc sau để giúp có đủ sữa cho con bú. Nên cho con bú đúng cách và đủ lần trong ngày để sự tiết sữa đều đặn. Nên có chế độ dinh dưỡng thật tốt cho người mẹ, tức phải ăn uống đầy đủ và cân bằng tỉ lệ các chất dinh dưỡng cần thiết.

 

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC/TTO