Thứ năm, 19/10/2017, 22h25

Cảnh báo tai nạn trường học

Sập phòng học, sập la phông, sập tường rào… là những vụ tai nạn xảy ra trong thời gian gần đây trong môi trường học đường. Tình trạng này như một hồi chuông cảnh báo công tác duy tu, sửa chữa, kiểm định về cơ sở vật chất trường học cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sập la phông ở Trường Tiểu học Thạnh Quới A (Vĩnh Long) khiến 9 học sinh nhập viện

Nhiều vụ tai nạn trường học đã xảy ra!

Vào khoảng 14g15 phút ngày 17-10-2017 tại Trường Tiểu học Thạnh Quới A (Vĩnh Long). Sự cố xảy ra khi có một cơn gió mạnh khiến cho la phông của 5 phòng học (khối lớp 3 và lớp 4) long ra và rơi xuống, làm khoảng 20 học sinh bị thương. Ngay sau đó, giáo viên đã đưa 9 em tới bệnh viện gần đó cấp cứu. Trong đó, một học sinh bị thương nặng nên được người nhà chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Được biết, Trường tiểu học Thạnh Quới A đã được sửa chữa nâng cấp toàn bộ mái tol, la phông, đường điện và sơn mới một năm trước đó. Loại la phông các phòng học được làm bằng tip rô xi măng, mỗi tấm có kích thước 60x60cm, trọng lượng khoảng 800g.

TS. Ngô Thị Tuyên (Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) cho rằng, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường học nên có kế hoạch bảo dưỡng cơ sở vật chất một cách thường xuyên, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tu sửa vào dịp hè hoặc cuối tuần một cách kịp thời, nhằm tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Khoảng 4 giờ sau vụ tai nạn ở Vĩnh Long, 18 giờ tối cùng ngày, một mảng bê tông rơi bất ngờ tại khuôn viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) khiến một nam sinh viên tử vong. Trước đó, trên địa bàn thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) do ngôi trường quá cũ kỹ. Chiều ngày 26-8-2017, học sinh tại lớp 6A4 của Trường THCS-THPT Đống Đa chuẩn bị tan học ra về thì sàn của phòng học bất ngờ đổ sập, làm cho 10 em học sinh bị rơi xuống từ độ cao khoảng 5m và đều bị thương. Vụ tai nạn tại ngõ 30 Nguyễn Thị Thuận (phường Cát Bi, quận Hải An, TP.Hải Phòng) xảy ra vào khoảng 10g ngày 13-6-2017, sau cơn mưa lớn, bức tường của trường khiếm thính Hải Phòng bị đổ làm bé trai 8 tuổi tử vong và 1 người khác bị thương nặng. Bức tường gây thương vong có thiết kế cao hơn 2m, dài gần 50m. Do bức tường đã bị nghiêng, người dân đã báo cho UBND phường Cát Bi và Trường khiếm thính Hải Phòng và đề nghị có giải pháp gia cố nhưng chưa kịp thực hiện thì xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Cần duy tu bảo dưỡng thường xuyên

Nhằm đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất của trường học, PGS.TS Trần Chủng (Trưởng Ban Chất lượng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) lưu ý, Điều 127 của Luật Xây dựng 2014 về “Dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng” nêu rõ: “Chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác sử dụng công trình hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng khi công trình hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn, gây sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, an toàn của công trình lân cận, môi trường và của cộng đồng”. Trường hợp công trình hết thời hạn sử dụng, nếu có yêu cầu tiếp tục sử dụng thì chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng phải thực hiện kiểm định chất lượng, gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) bảo đảm độ an toàn, công năng sử dụng của công trình. Vì vậy, các công trình đã hết thời hạn sử dụng, các công trình có nguy cơ mất an toàn, gây sự cố thì phải có biện pháp giải quyết rốt ráo và kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nhằm phòng tránh những tai nạn hi hữu trong trường học, theo ý kiến của TS. Trương Quang Ngọc (Hiệu trưởng Trường THCS - THPT dân lập Lạc Hồng, TP.HCM), công tác bảo dưỡng kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật phải được thực hiện một cách thường xuyên. Tùy theo điều kiện của từng đơn vị, mà có thể bố trí một hay nhiều nhân viên chuyên trách về kỹ thuật để kiểm tra, duy tu ngay khi có sự cố.

Bài, ảnh: Vũ Phương