Thứ hai, 28/3/2011, 17h03

“Cánh chim” không sợ “bão”

Thảo Nguyên bên góc học tập của mình. Ảnh: T.D
Trong buổi trao học bổng Hoàng Lê Kha (do Phòng GD-ĐT quận 6, TP.HCM tổ chức) cho 10 học sinh xuất sắc nhất của 10 trường THCS trong toàn quận, cả hội trường gần như im bặt khi nhìn thấy cô học trò Phạm Thị Thảo Nguyên được thầy giáo của mình cõng trên vai chậm rãi bước lên bục nhận giải.
“Sinh ra em đã là gánh nặng”
Câu nói ấy của Nguyên không phải là lời tự trách mà chính là để em luôn tự nhắc mình: Phải cố gắng hơn nữa trong học tập để những người thân yêu không buồn lòng, thất vọng. Đó cũng chính là lý do giúp cô học trò nhỏ có thêm nghị lực để bảy năm qua, dù đôi chân mỗi ngày một teo tóp, không còn khả năng đi lại nhưng Nguyên vẫn luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi của mình. Có thể nói, Thảo Nguyên hiện là một trong các “thủ lĩnh” của lớp chuyên 7/3 Trường THCS Hậu Giang khi điểm số luôn nằm trong top 3 của lớp.
Ngay từ khi mới lọt lòng, Nguyên đã mắc phải căn bệnh thoát vị tủy sống. Bác sĩ cho biết cần tiến hành một cuộc phẫu thuật gấp mới mong giữ được mạng sống của em. Thương con vừa chào đời đã mang bệnh tật, ba mẹ Nguyên “ngậm đắng”, nuốt nước mắt xoay xở đủ đường mong kiếm đủ số tiền để lo cho cuộc phẫu thuật của con. Bốn tháng tuổi đã nếm trải cái đớn đau đầu đời trên bàn mổ, để rồi sau đó, dù bệnh khỏi nhưng Nguyên sớm trở thành một đứa trẻ tật nguyền. Nếu như đôi chân là thành phần nâng đỡ thể trọng và giúp di chuyển thì với Nguyên, nó như một khối thịt “bấu víu” vào sự sống của cơ thể bởi không còn khả năng cảm nhận được cái đau hay nóng lạnh. Chị Bùi Thị Cẩm Vân - mẹ Nguyên kể: “Mỗi lần chở đi học bằng xe đạp, lâu lâu tự dưng thấy như có lực gì cản làm xe rất nặng. Dừng lại mới biết chân Nguyên vướng vào bánh xe gây chảy máu mà xót xa. Bản thân Nguyên không cảm nhận được cái đau nên không biết”. Tuổi thơ dần qua, không một ngày được chạy nhảy vui đùa như chúng bạn, vậy mà, “Đôi chân chẳng những đã không giúp gì cho em được, lại còn nứt nẻ mỗi khi trái gió trở trời”, Nguyên nói vui.
Tật nguyền, bố mẹ làm công nhân, có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải ở “ké” nhà bà ngoại nên Nguyên luôn tự nhắc mình nên phấn đấu học hành, trở thành con ngoan trò giỏi. Đó là điều duy nhất Nguyên dặn mình phải làm cho được để bố mẹ không buồn lòng. Bảy năm liền là học sinh xuất sắc, Nguyên còn nhận được nhiều học bổng như Thắp sáng ước mơ hay nhiều học bổng khác do trường, quận tổ chức. Không dừng lại đó, với khả năng văn chương của mình, em còn là “cây bút” xông xáo, chủ lực của “tờ” báo tường và tham gia làm diễn viên trong các vở kịch do trường tổ chức. Ngay từ nhỏ, ý thức việc mình không đi lại được nên Nguyên đã tập cho mình khả năng di chuyển bằng cách… “bò” rất nhanh. “Tập “bò” để em có thể tự “đi lại” làm những việc bé nhỏ như dọn dẹp, giúp mẹ nhặt rau, vo gạo… và hạn chế sự giúp đỡ của người khác”, Nguyên nói.
Ước mơ trở thành một cô giáo
 “Ở nhà thì bố mẹ, ông bà, trên lớp thì có bạn bè, thầy cô”, Nguyên mở đầu như thế khi nói về việc học tập của mình. Như giờ ra chơi, bạn bè biết Nguyên luôn phải “định vị” một chỗ nên bớt đi giờ chơi của mình để cùng ngồi với Nguyên sẻ chia, trò chuyện. Những giờ học Anh văn, vi tính phải di chuyển lên tầng hai, các bạn không ngại khó thay phiên nhau cõng Nguyên đến phòng học.
Ở trường, em còn là đối tượng đầu tiên trong các “chính sách” giúp đỡ học sinh của nhà trường, như giảm các khoản thu và hai năm liền tại Trường THCS Hậu Giang này, em được cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Minh “đấu tranh” để được miễn hoàn toàn học phí. Kể về cô Hiệu trưởng, chị Vân chợt rưng rưng niềm cảm kích: “Ngày mới nhập học, tôi mang nỗi mặc cảm bệnh tật của con và lo sợ con mình không được nhận vào nên có đến trình bày hoàn cảnh, hỏi xem như vậy rồi cô có cho Nguyên học không. Ai ngờ, chẳng những gật đầu cái rụp mà hôm sau, cô Minh còn gọi tôi đến để hỏi lại: “Chị có cần tôi giúp gì không? Nếu hoàn cảnh có khó khăn hay có việc gì cần, chị cứ cho tôi biết nhé!””. Để rồi sau đó, duy nhất chỉ gia đình chị Vân được cô Minh đặc cách cho chạy thẳng xe vào sân trường, đến tận lớp học để đưa đón Nguyên mà không phải gửi xe, cõng Nguyên đi từ cổng.
Chẳng những vậy, cô Hiệu trưởng còn đích thân vận động từ học trò đến giáo viên trong toàn trường giảm bớt chút chi tiêu, dành tiền mua tặng Nguyên chiếc xe lăn cùng đôi nẹp chân, để giúp em dễ dàng di chuyển. Chị Vân cho biết: “Với người ta thường mỗi năm mỗi thay giày dép, với người tật nguyền thì chiếc nẹp chân được coi là chiếc dép, cũng mỗi năm mỗi thay. Trong khi chúng tôi còn đang tích cóp để mua cho Nguyên “đôi dép” khác thì đã nhận được phần quà này từ nhà trường. Cả gia đình tôi rất xúc động và biết ơn tấm lòng của nhà trường”. Riêng bản thân Nguyên, em ước mơ trong tương lai được trở thành một cô giáo, để có thể cống hiến năng lực của mình cho ngành giáo dục, cho nơi đã giúp em có thật nhiều tình thương, là hành trang để em nỗ lực và tiến bước.
Bài, ảnh: Ngân Du

 “Mặc dù bệnh tật nhưng bản thân Nguyên là một học trò rất hòa đồng, luôn giúp đỡ các bạn trong học tập và luôn là một trong những học sinh xuất sắc của trường. Bên cạnh đó, Nguyên còn là thành viên nhiệt tình với các công tác Đội, các phong trào khác do trường tổ chức. Em là “cánh chim” không sợ “bão”, xứng đáng để bạn bè noi theo”, thầy Trần Minh Vũ, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hậu Giang cho biết.