Thứ năm, 2/9/2010, 15h09

Cảnh giác với các chiêu chạy trường ảo

Tự giới thiệu mình quen biết nhiều vị lãnh đạo của vụ nọ, cục kia… một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự cả tin của những gia đình có nhu cầu vào các trường đại học, cao đẳng… ôm hàng tỷ đồng của các bị hại rồi cao chạy xa bay.

Đối tượng Mai Văn Tĩnh bị CAH Từ Liêm bắt giữ (An Ninh Thủ Đô).


Những thủ đoạn tinh vi

Một điều tra viên CAH Từ Liêm, TP Hà Nội đã từng thụ lý nhiều vụ án “chạy trường” cho biết, các đối tượng gây án đã tự “bơm mình” trở thành những kẻ có địa vị và có nhiều mối quan hệ “đặc biệt” trong xã hội để lừa đảo những người dân nhẹ dạ rồi chiếm đoạt tiền.

Điển hình, ngày 19-6, Cơ quan CSĐT CAH Từ Liêm, TP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Mai Văn Tĩnh, SN 1983, HKTT tại thôn Trần Phú, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ pơmu, rượu Sán Lùng - địa chỉ tại số 162, đường K2, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm,TP Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vị giám đốc này đã tự nhận mình có thể “chạy” được vào các trường đại học danh tiếng ở Hà Nội với giá “ưu đãi”…

Để các bị hại tin tưởng và giao tiền, Mai Văn Tĩnh đã tự đánh bóng mình bằng việc đi xe Lexus và tiêu tiền rất “vô tư” trong mỗi lần gặp gỡ. Đi đến đâu, Tĩnh cũng bô bô về việc mình có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo bộ này, cục kia… và có thể chạy vào các trường, học viện trong quân đội, công an, tài chính, ngân hàng… Trong những lần nhận tiền của các bị hại, Tĩnh còn “mang” theo một cô gái trẻ đẹp và giới thiệu đó là vợ sắp cưới của Tĩnh - cháu gái cưng của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo... Sau khi ẵm gọn của các bị hại gần 2 tỷ đồng, Mai Văn Tĩnh cao chạy xa bay. Chỉ đến khi bước vào mùa tựu trường, các nạn nhân mới biết mình đã bị Tĩnh lừa.

Cơ quan An ninh điều tra đang thống kê số tài liệu thu giữ được trong vụ án “chạy trường” (An Ninh Thủ Đô).


Gần đây, khi mùa thi đại học sắp bắt đầu, thấy cô con gái là Lê Thị V sức học yếu nên anh Lê Văn T, ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh rất lo lắng. Anh đã dò hỏi những người bạn xem có quen biết ai để “lo” cho con mình vào Học viện Ngân hàng. Được một người bạn tên là Linh cho biết Nguyễn Đức Hưng, HKTT tại ngõ 155, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội là con rể của giám đốc nơi Linh đang làm việc có thể “chạy” được vào trường này nên anh T đã đến gặp Hưng. Qua câu chuyện, Hưng cho biết đó chỉ là “chuyện nhỏ” vì bản thân có người chú tên là “Hải” làm cán bộ rất to trên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin lời Hưng, anh hứa sẽ nộp mọi chi phí miễn là cháu V được vào học trường này. Sau khi giao cho Hưng 80 triệu đồng để lo chi phí và “thuốc nước” với các đối tác nhưng đến khi Học viện Ngân hàng công bố điểm thi, thấy con gái nằm trong danh sách những thí sinh thi trượt, anh T liền gọi điện thoại cho Hưng hỏi sự tình thì được Hưng cho biết điểm thi đó không quan trọng và “chú Hải” đã lo được rồi.

Nhằm tạo thêm niềm tin những lần anh T lên Hà Nội, Hưng thuê một phòng nghỉ tại nhà khách của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại 23 Lê Thánh Tông để cho anh T ở. Sau khi “vòi” thêm của anh T một khoản chi phí lớn nữa, Hưng bỏ trốn. Chỉ khi Hưng bị CAQ Cầu Giấy bắt giữ, anh T mới biết mình đã giao tiền cho một tên sống lang thang, không nghề nghiệp.

Một số giấy tờ liên quan tới vụ án “chạy trường” (An Ninh Thủ Đô).


Người dân cần đề cao cảnh giác

Một điều tra viên Phòng ANĐT - CATP Hà Nội trong tổ án điều tra vụ án “chạy trường” trong kỳ thi tuyển sinh vào hệ tại chức của trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào tháng 4 vừa qua cho biết, số đối tượng phạm tội trong vụ án đều là những cán bộ có tầm cỡ được đào tạo bài bản về chuyên ngành giáo dục hiện đang làm việc tại các trung tâm đào tạo lớn như Phùng Đình Vũ, SN 1982, HKTT tại xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội; Lê Đình Phương, SN 1981, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo - trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật Hà Nội; Nguyễn Văn Sinh, SN 1985, chuyên viên Phòng Đào tạo - Trung tâm Hợp tác đào tạo - trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật Hà Nội; Nguyễn Văn Vinh, SN 1981, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải…

Sau khi móc nối thành lập một đường dây chuyên gian lận trong thi cử vào hệ đại học tại chức trường Kinh tế Quốc dân, đối tượng Vinh đã lợi dụng chức danh là Phó Giám đốc và tư cách pháp nhân của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải để nhận hồ sơ tuyển sinh vào hệ đại học tại chức trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Qua công tác này, Vinh đã “chào hàng” với các thí sinh nộp hồ sơ là mình có thể giúp các thi sinh thi đỗ. Phùng Đình Vũ làm nhiệm vụ thuê người đi thi với mục đích vào phòng thi để lấy đề ra cho các đối tượng khác giải rồi chuyển ngược lại cho các thí sinh đã “làm việc riêng” trước đó với Vinh. 

Còn đối với Phương và Sinh, do làm việc tại điểm mà trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuê nên đã tạo “môi trường thuận lợi” cho các “chân rết” của mình chuyển đề thi ra ngoài. Khi lực lượng An ninh CATP Hà Nội phá án đã làm rõ gần 50 thí sinh trong đó có nhiều cán bộ đang đương chức ở một số ban, ngành liên quan đến sự việc “chạy trường” này.

Điều tra viên Cơ quan ANĐT cũng cho biết thêm, theo quy chế hiện hành trong việc tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì công tác nhận hồ sơ cá nhân và làm thủ tục thi cho các thí sinh luôn được kiểm tra rất ngặt nghèo nên các trường hợp gian lận trong thi cử như thi thay; thi hộ thậm chí là “chạy trường” là điều không thể xảy ra vì quá trình thực hiện công tác nghiệp vụ, các trường hợp này đều bị các cơ quan chức năng phát hiện. Vì vậy, người dân cần đầu tư cho con em mình tích lũy kiến thức ngay từ ban đầu để đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Và không nên nghe theo lời ngon ngọt của kẻ xấu để rồi tiền mất tật mang.

Theo Yến Nhi
An Ninh Thủ Đô