Thứ năm, 20/4/2017, 21h21

Cảnh giác với son môi nhiễm chì

Trước đây, son môi thường chỉ được phụ nữ sử dụng khi trang điểm tham dự đám cưới, tiệc tùng, hoặc tham dự các sự kiện văn hóa, nghệ thuật... Nay loại mỹ phẩm này được sử dụng phổ biến mỗi khi phụ nữ… bước ra đường. Thông tin một nữ MC ở Hà Nội bị nhiễm chì do sử dụng son môi mới đây khiến người sử dụng không khỏi lo lắng.

Phụ nữ được khuyến cáo sử dụng son đúng cách để bảo vệ sức khỏe

“Son lì” là son có chì

Tâm lý chung của chị em phụ nữ là chọn mua màu son ưa thích, hợp “gu”, phù hợp màu trang phục và đặc biệt là son môi không bị trôi màu khi ăn uống, đi chơi, dự tiệc. Tùy vào nhu cầu, các chị em có thể chọn cả son nội lẫn ngoại nhập, với mức giá phong phú “thượng vàng hạ cám”, dao động từ khoảng 200.000 đồng đến trên dưới 1 triệu đồng/thỏi. Tuy nhiên, nhiều người đã không khỏi “giật mình” từ thông tin chia sẻ của PGS.TS Phạm Duệ (nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) về trường hợp của một nữ MC ở Hà Nội, bị nhiễm độc chì phải nhập viện điều trị thải độc trong thời gian dài. Nguyên nhân do chị sử dụng son môi đậm màu (màu đỏ, đỏ cam) mỗi ngày. Từ các biểu hiện như mất ngủ, táo bón, hay quên, viền lợi có màu đen xám (lấp lánh ánh kim loại), kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì trong máu của MC này lên tới 32mcg/dl, cao hơn gấp 3 lần ngưỡng cho phép.

“Bài học kinh nghiệm” của nữ MC trong những ngày qua như hồi chuông cảnh tỉnh cho những cô nàng ưa dùng son “lì”, màu chói, hàng trôi nổi… Sinh viên Phạm Linh Chi, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, em cảm thấy lo vì lâu nay vẫn thích sử dụng son màu đỏ đậm hoặc đỏ cam, có độ bền màu tương đối tốt, nên có thể ăn uống vô tư mà không sợ bị phai màu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để an toàn cho mình, em sử dụng loại son của Hàn Quốc với giá 350.000/thỏi. Trong khi bạn em cũng mua sản phẩm cùng loại được cho là nhập về Việt Nam chỉ có 250.000 đồng.  Chi nói rằng em nghi ngờ loại son bạn em mua là hàng giả, nhưng “điều em lo nhất lúc này khi thấy người sử dụng son đậm màu đã bị nhiễm chì, tác hại của nó thật khủng khiếp”.

Theo quy định của cửa hàng bán quần áo là luôn phải trang điểm khi đi làm, nên nhân viên Phan Thị Mỹ Anh (làm việc cho shop bán quần áo ở phường 6, quận Tân Bình) luôn sử dụng màu son em yêu thích là màu đỏ chót hoặc màu hồng cánh sen trong hơn 5 năm qua. Mỹ Anh thừa nhận: “Em chỉ quan trọng việc chọn màu son mình muốn, cũng có nghe nói son có chì thì khi tô môi màu son mới thấm và lâu phai, nhưng lại không biết các tác hại của nó nếu lạm dụng quá mức”. Về nguồn gốc sản phẩm mình sử dụng, Mỹ Anh cũng không biết rõ, vì có khi được người yêu tặng son hàng hiệu, hoặc được bạn bè tặng quà sinh nhật. Nhưng từ hôm nghe thông tin MC ở Hà Nội bị nhiễm chì cũng khiến em lo lắng: “Năm nay em mới 27 tuổi, thỉnh thoảng cũng hay quên vặt và khó ngủ, vậy có phải là triệu chứng của nhiễm độc chì hay không?”.

May mắn hơn Mỹ Anh, chị Ngọc Tuyết là nhân viên của Công ty cà phê Trung Nguyên hơn một năm qua đã tìm và sử dụng những thỏi son handmade tin cậy.

Cẩn trọng với “son không trôi”

Chị Ngọc Tuyết khẳng định: “Bảo vệ sức khỏe là vấn đề quan trọng, nên em quyết tâm sử dụng son handmade không chì. Vì không chì nên độ bám của son không được tốt như những loại đã sử dụng trước đây. Do đó, mỗi ngày em chịu khó tô son vài lần để gương mặt được tươi tắn như ý. Hơn là dùng son có độ bám chắc mà lại có hại cho sức khỏe thì cũng không nên”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong son môi, chì như một yếu tố vi lượng, giúp mỹ phẩm bền màu và lâu phai, cho dù hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nhưng nếu dùng lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên cần thận trọng khi tiếp xúc với son môi. Trong quá trình sử dụng son, người sử dụng nên lau sạch son môi trước khi ăn uống, nhằm tránh chì xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Đặc biệt, đối với tất cả các loại son, nhất là son đậm màu, người sử dụng cần lau, rửa sạch kỹ bờ môi sau mỗi lần dùng son để hạn chế chì thẩm thấu qua da. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ em sử dụng son môi hay son dưỡng để ứng phó với thời tiết. Trong trường hợp môi trẻ quá khô hoặc bị nứt nẻ thì có thể tăng cường uống nước hoặc dùng vaseline để đảm bảo an toàn cho các bé.

Dược sĩ Trần Xuân Thuyết, Hội Dược liệu Việt Nam lưu ý, tình trạng nhiễm độc chì do sử dụng son môi hoặc bất kể nguyên nhân gì đều gây nên những tác hại đáng kể cho cơ thể. Vì khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, tập trung ở chất xám của não và tủy sống, gây tổn thương cho hệ thần kinh và não. Bên cạnh đó, chì còn tích tụ vào sâu trong xương, khi đã vào xương thì khó thải loại, muốn thải loại phải mất từ 30-40 năm. Ngoài ra, chì còn gây nhiều tác hại nghiêm trọng khác như kìm hãm phản ứng ôxy hóa gluco để tạo ra năng lượng cho cơ thể, gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ hồng cầu, làm hồng cầu dễ vỡ và giảm lượng hồng cầu. Trên thận, chì gây tổn thương thận, giảm thải trừ acid uric qua nước tiểu làm tăng acid uric trong máu gây bệnh gout. Với hệ nội tiết, chì làm giảm chức năng tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận. Đặc biệt đối với trẻ em, mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3-4 lần người lớn, gây giảm tiết hormone và yếu tố tăng trưởng, làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, giảm chiều cao ở trẻ ngộ độc chì. Với hệ sinh sản, chì làm giảm chức năng sinh sản cả nam và nữ, giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm tinh trùng, thay đổi hình thái và tính di chuyển của tinh trùng. Làm thai chậm phát triển, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, dễ sẩy thai, sinh non…

Bài, ảnh: Vũ Phương