Thứ năm, 8/6/2017, 23h55

Cao tốc Bắc Nam: Di dời hơn 2.000 hộ dân

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, để tiến hành dự án thì các địa phương phải giải tỏa khoảng 3.523ha với hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng và 2.100 hộ tái định cư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho giai đoạn trên khoảng 13.028 tỷ đồng.

Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác

Cân nhắc kỹ phương án thu phí BOT

Như vậy, dự án trình ra Quốc hội lần này có chiều dài 1.372km, dự kiến 4-6 làn xe, tốc độ 80-120km/giờ, chia làm 20 dự án thành phần. Cả dự án có tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn: từ nay đến năm 2025 và sau 2025. Trong đó, giai đoạn 1 cần 243.312 tỷ đồng, trong khi vốn của Nhà nước chỉ có 55.000 tỷ đồng. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư toàn bộ dự án theo quy hoạch khoảng 6.505ha.  Để huy động phần vốn khá lớn còn thiếu thông qua xã hội hóa, Bộ GTVT đưa ra phương án có 17/20 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT. Bộ này cũng kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù cho dự án như trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường; cho phép Chính phủ giao Bộ GTVT được quyết định mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án; cho phép chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra đối với các dự án triển khai đầu tư giai đoạn 1...

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn triển khai dự án; đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, đồng nghĩa với việc nới hạn mức cho vay BOT tại các ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính, điều này tiềm ẩn rủi ro không nhỏ cho các ngân hàng nếu dự án triển khai không hiệu quả: gia tăng nợ xấu, gia tăng biện pháp “giải cứu”…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất Quốc hội cho phép chấp thuận sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư (trong trường hợp đấu thầu rộng rãi) làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Các cơ quan Nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT còn kiến nghị cho phép bộ lập thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định giá gói thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.  

Dự án cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), điểm cuối dự án tại nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), đi qua 16 tỉnh, thành. Dự kiến tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông tiến hành đầu tư xây dựng trước 713km cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần tính toán kỹ sức chịu đựng của nền kinh tế. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán 27 dự án BOT đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đến hơn 107 năm, đồng thời yêu cầu giải quyết hàng loạt vấn đề bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách nhưng đến nay chưa chính sách nào được điều chỉnh.  

Hơn 2.000 hộ dân sẽ di dời để làm cao tốc Bắc Nam

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, để tiến hành dự án thì các địa phương phải giải tỏa khoảng 3.523ha với hơn 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng và 2.100 hộ tái định cư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho giai đoạn trên khoảng 13.028 tỷ đồng. 

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trước đây, Chính phủ có chủ trương tiến hành giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam ngay từ đầu (khoảng hơn 1.300km). Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn kinh phí, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án chỉ giải tỏa trong phạm vi thực hiện đầu tư giai đoạn 1 đến năm 2020 (713km).

“Đối với những đoạn tuyến chưa thực hiện đầu tư sẽ chưa giải phóng mặt bằng để tránh lãng phí đất đai”, ông Sơn nói. Khoảng 713km cao tốc giai đoạn 2017-2020 sẽ được giải phóng mặt bằng với quy mô 4-6 làn xe, đồng thời thực hiện ngay việc cắm mốc lộ giới mỗi bên 17m giao cho địa phương quản lý, phục vụ mở rộng trong trường hợp quy mô dự án 6-10 làn xe. Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép tách riêng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cao tốc Bắc Nam thành các dự án độc lập theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành để địa phương thực hiện. Dự kiến giải phóng mặt bằng mỗi dự án tối thiểu một năm, tương đương với thời gian lựa chọn nhà đầu tư.

T.S