Thứ sáu, 13/11/2015, 11h23

Cấp thiết phải có luật biểu diễn

Đó là ý kiến của hầu hết các lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn... cũng như các ngành liên quan tại hội thảo Định hướng, xây dựng luật nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa diễn ra tại TPHCM ngày 11-11.

Lắm thành tựu, nhiều bất cập

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Đào Đăng Hoàn khẳng định: “Hoạt động NTBD trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước; từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tôn vinh quá khứ hào hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập, ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương với quốc tế như: WTO, FTA, TPP… ở lĩnh vực này còn nhiều bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý”. Ông Tôn Thất Cần, Phó phòng Quản lý nghệ thuật (Sở VH-TT-DL TPHCM), cho biết,trong số 3 văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này gồm: Nghị định 11/2006; Nghị định 103/2009 và Nghị định 79/2012,  chỉ có Nghị định 79 dành riêng cho nghệ thuật biểu diễn nhưng “tuổi thọ thường không quá 3 năm sau khi ban hành”. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên nêu vấn đề: Trước khi có luật, Nghị định 79 sẽ phải liên tục sửa đổi, bổ sung căn cứ vào tình hình thực tế, dựa trên đề xuất, góp ý và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Như vậy, các văn bản luật trong lĩnh vực NTBD hiện nay chưa theo kịp đời sống thực tế, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, lách luật, lợi dụng sự buông lỏng của cơ quan quản lý… diễn ra ngày càng nhiều như: Tổ chức biểu diễn không giấy phép, không đúng nội dung giấy phép, quảng cáo sai sự thật, mạo danh nghệ sĩ, biểu diễn phản cảm... Ông Tôn Thất Cần còn đưa ra nhiều bất cập trong việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam; các ca sĩ nhỏ tuổi; hoạt động karaoke hay giấy phép tham dự các cuộc thi nhan sắc... Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2014 và đến thời điểm này của năm 2015, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã xử lý hàng chục trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nhấn mạnh: “Việc xử phạt hành chính chưa thích đáng hoặc quá nhẹ mặc dù cơ quan quản lý đã làm đúng luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không thể xử lý hết và triệt để vì có quá nhiều vi phạm,  đặc biệt là trên internet”.

Phải quản lý bằng luật

Một vấn đề trọng tâm được các đại biểu tán thành, đó là phải sớm có văn bản luật trong lĩnh vực NTBD nhằm đưa các hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật. “Cần sớm xây dựng và ban hành luật nghệ thuật biểu diễn để tương thích với các bộ luật, luật của các ngành, lĩnh vực khác nhau như: điện ảnh, sở hữu trí tuệ, quảng cáo, báo chí...”, ông Đào Đăng Hoàn cho biết. Trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia hiệp định TPP, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, việc xây dựng luật NTBD vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, ngành vừa thể hiện sự nghiêm túc đối với bạn bè quốc tế; đồng thời đảm bảo sự chặt chẽ, công bằng đối với tất cả các thành viên.

Luật nghệ thuật biểu diễn khi ra đời, hứa hẹn sẽ có những quy định cụ thể, phù hợp dành riêng cho đối tượng là các tài năng nhí (Ảnh minh họa)

Ông Tôn Thất Cần trăn trở, việc luật hóa là việc làm hết sức cấp bách, công khai, minh bạch và cũng là một phần của tiến trình dân chủ nhưng xây dựng dự thảo luật như thế nào để bắt kịp sự phát triển của hoạt động NTBD là vấn đề nan giải. Một số ý kiến khác cho rằng,hãy bắt đầu từ việc đưa đời sống đi vào luật, bởi chính thực tế sẽ tạo nên giá trị và tính thời sự. Điều này giúp giảm thiểu những hạn chế của các nghị định do chưa nắm bắt được thực tế, văn bản quản lý thậm chí không theo kịp với sự ra đời của không ít loại hình nghệ thuật mới. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), góp ý: Bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cũng rất cần xem xét đến yếu tố chuẩn mực ứng xử giữa các văn nghệ sĩ.

Nhìn chung, các tham luận, phát biểu tại hội thảo đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải có luật NTBD biểu diễn. Thứ trưởng Vương Duy Biên nhận định: “Vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng luật nhằm thúc đẩy ngành NTBD phát triển tốt; tạo môi trường tự do sáng tạo; không tách biệt với xu hướng hội nhập quốc tế; khái quát được toàn bộ các lĩnh vực biểu diễn nhưng phải đi vào chi tiết dựa trên nguyên tắc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với đất nước và nhân dân, nhân ái với cộng đồng”. Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức hội thảo tại Hà Nội để lấy ý kiến đóng góp trước khi tiến hành soạn thảo dự thảo luật để  trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đánh giá trong nhiệm kỳ tới.

Văn Tuấn/ SGGP