Thứ năm, 27/2/2014, 23h02

Câu chuyện một tác phẩm về Trịnh Công Sơn

Nghệ nhân Nguyễn Thận bên tác phẩm Nối vòng tay lớn của mình
Không am hiểu về âm nhạc lẫn nghệ thuật điêu khắc, nhưng ông vẫn cho ra đời tác phẩm điêu khắc nói lên tình yêu bất diệt với quê hương đất nước mà ca từ của Trịnh Công Sơn đã thể hiện. Bài hát Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn là cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Thận sáng tác nên tác phẩm điêu khắc cùng tên.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Tác phẩm điêu khắc Nối vòng tay lớn được để trang trọng trước ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Thận. Ở thành phố Quảng Ngãi, nói đến Nguyễn Thận, người ta thường biết đến ông với khả năng tư vấn kinh dịch và thiết kế phong thủy. Nhưng trong ông lại tiềm ẩn khả năng về điêu khắc. Yêu và say mê nhạc Trịnh đã thôi thúc ông phải thực hiện cho bằng được một tác phẩm về người nhạc sĩ tài hoa này.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 2006 vào đúng ngày 28-2 (ngày sinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), ông Thận quyết định bắt tay vào điêu khắc tác phẩm này sau khi nghe bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ. Sau khi phác thảo xong ý tưởng, ông Thận đã lên núi tìm bằng được gốc cây muồng, đây là loài cây không có loại côn trùng nào phá hại được. Sau gần 2 năm, mỗi ngày một ít, ông chạm khắc từng tí một để có được bức điêu khắc hoàn chỉnh. Ông cho biết, chỉ khi nào cảm thấy trong lòng thanh thản và không vướng bận gì thì mới cầm búa và đục để chạm khắc. Với ông, điều quan trọng là phải thấm và hiểu được từng ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi đó mới chuyển được cái “hồn” vào trong tác phẩm.
Chăm chút từng đường nét
Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như kết tinh của tinh thần hòa hợp dân tộc, có giá trị kết nối cộng đồng, kết nối tất cả các dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này. Chính vì lẽ đó, nghệ nhân Nguyễn Thận đã chăm chút từng đường nét của tác phẩm, mỗi đường nét đều nói lên cái sâu thẳm của ca từ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ra. “…Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Tác phẩm điêu khắc Nối vòng tay lớn của ông được đứng vững chắc trên 5 chân đế của gốc cây muồng, thể hiện cho sự đoàn kết vững chắc của dân tộc Việt Nam. Hướng lên trên cao là hình ảnh được cách điệu hình bản đồ của đất nước, bên phải có Hoàng Sa và Trường Sa. Chính giữa là chân dung của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thông qua tác phẩm điêu khắc này, nghệ nhân Nguyễn Thận muốn nói lên những ước nguyện mà bài hát Nối vòng tay lớn thể hiện đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong tác phẩm của ông còn hướng rộng hơn ra cả thế giới. Đất nước Việt Nam ở trong quả địa cầu được chạm khắc tỉ mỉ. Trên quả địa cầu ấy là chú chim bồ câu miệng ngậm dòng nhạc yêu chuộng hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, của dân tộc Việt Nam đến với thế giới. 
Là người yêu nhạc Trịnh, tôi hiểu được tình yêu của nghệ nhân Nguyễn Thận đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không bàn đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc này, nhưng điều đáng trân trọng là nghệ nhân Nguyễn Thận đã khắc họa được tình yêu của mình đối với cố nhạc sĩ tài hoa này cũng như nói lên khát vọng yêu thương và sự vững bền của dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: Phước Trung
Một tác phẩm có giá trị
Khi nói về tác phẩm điêu khắc Nối vòng tay lớn, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Lê Hồng Khánh nhận xét: “Theo tôi, đây là một tác phẩm có giá trị. Nó nói lên những điều, nhiều khi các họa sĩ chuyên nghiệp không nói được. Nó cho thấy sự chân chất, thật thà của một nghệ nhân. Các họa sĩ, nhà điêu khắc khi muốn thể hiện cái “hồn” của Trịnh Công Sơn thì họ sẽ nghĩ đến hình khối, đường nét… nhưng với anh Thận, trong lòng anh nghĩ thế nào thì thể hiện như vậy. Cái đó nó có thể vụng về, có thể không chuẩn, nhưng nó mang lại cho người thưởng thức một cái giá trị mà những nhà điêu khắc chuyên nghiệp chưa có. Thực ra, xét cho cùng, nghệ thuật là cái gì đó mang lại cho con người đối diện với nó”.