Thứ sáu, 4/5/2012, 16h05

Câu chuyện nghề nghiệp: Bước khởi đầu của một thầy giáo trẻ

Thầy Lê Việt Tiến đang trao đổi với học trò của mình

Đối với thầy Lê Việt Tiến - giáo viên (GV) Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) - dạy môn tiếng Anh cho lứa tuổi TH là đang thực hiện một công trình khoa học và nghệ thuật hoàn hảo.
Công trình đó không chỉ có độ chính xác cao nhằm truyền thụ kiến thức về ngoại ngữ mà còn là một “sân chơi” năng động cho người học giúp các em tiếp thu bài một cách thoải mái và chủ động.
Vốn là một GV dạy giỏi, chuyên môn vững nên thầy Tiến biết “điều binh khiển tướng” rất khéo léo trong từng tiết học. Đặc biệt thầy còn biết “khuấy động” tiết học vốn thường được coi là nặng nề, căng thẳng bằng các tiết mục văn nghệ để thành những giờ học có sức cuốn hút học sinh (HS). Chính khả năng này đã giúp thầy có thêm lợi thế trong cách tổ chức các tiết dạy để mỗi bài học luôn sinh động và gây chú ý hơn đối với các em. Lợi thế của thầy là nhiều năm nay được phân dạy các lớp cuối cấp. Theo thầy Tiến, do là HS cuối cấp nên các em tiếp thu bài nhanh. Trong quá trình tương tác hầu hết các em đều dạn dĩ, diễn đạt trôi chảy và hiểu được ý thầy. Em nào cũng trả lời lưu loát, tất nhiên chưa phải nói đúng tất cả mà vẫn còn những chỗ sai cần điều chỉnh. Bài giảng vì thế luôn “thuận buồm xuôi gió”. Tuy nhiên, do khả năng tiếp thu của từng HS khác nhau nên kiến thức không đồng đều, độ chênh rất rõ. Đặc biệt với khả năng viết còn hạn chế của các em, thầy Tiến và đồng nghiệp luôn trăn trở và tìm cách khắc phục. Cách dạy của thầy là không “cào bằng” tất cả mà phải quan tâm từng đối tượng, bám sát những HS yếu kém, chậm tiến bộ. Một bài tập thầy đưa ra cho cả lớp nhưng yêu cầu với từng đối tượng lại khác nhau theo hướng cá thể hóa. Thầy Tiến dẫn chứng: Khi đưa ra câu hỏi từ một bức tranh, tôi phân loại đối tượng trong lớp yêu cầu các em trả lời ở những mức độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó như: Mô tả hành động, gọi tên từng âm tiết, từng cụm từ và nguyên câu. Khi các em đạt được yêu cầu đó thì nâng cao trình độ bằng cách yêu cầu các em tự đặt câu ngắn, sau đó chuyển sang đặt  câu dài và câu hay, có hình ảnh. Theo thầy Tiến, học nhóm không chỉ để phát huy tính tích cực của người học mà còn giúp các em nâng đỡ lẫn nhau theo kiểu “giỏi kéo yếu”. Em nào giỏi có thể đóng vai trò người hướng dẫn để làm mẫu. Như thế GV cũng đỡ mất sức mà hiệu quả lại cao. Trong giảng dạy, thầy coi đồ dùng dạy học là một “vũ khí” quyết định sự thành bại của tiết học. Chính vì thế thầy rất quan tâm đến các loại băng đĩa, hình ảnh, máy chiếu. Những cuốn SGK, tài liệu tham khảo cũng là những thứ “cẩm nang” quý báu không thể thiếu được. 
Cũng như các bộ môn khác, trò chơi theo hình thức gameshow trong giờ học tiếng nước ngoài sẽ cuốn hút HS vào không khí sôi động của tiết học. Đây còn là cơ hội cho các HS yếu, nói chậm nhanh chóng hòa nhập với bạn bè... Thầy Tiến yêu bộ môn của mình vì HS thường say mê với tiếng Anh. Đây lại là môn học nghiêng về năng khiếu nên các em học trên tinh thần tự nguyện và đầy hào hứng.
Trên con đường rèn luyện chuyên môn, cần cù cũng sẽ bù được khả năng. Có lẽ chính vì thế mà trong con người thầy giáo của mình, chất nghệ sĩ như một men say đã làm cho nhiều tiết giảng của thầy Tiến được thăng hoa. Trong cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa giữa trường Việt Nam và Singapore, thầy Tiến là người được ban tổ chức “chọn mặt gửi vàng” dạy một tiết mẫu về tiếng Anh. Gần 50 HS hai nước dù khác nhau về tiếng nói nhưng đã có “cuộc hội ngộ” lý thú trong một lớp học. Bục giảng của thầy Tiến đã góp thêm một cầu nối nhỏ cho tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên thầy Tiến làm nên kỳ tích này. Ngay từ khi mới bước chân vào nghề, những tiết dạy của thầy đã có ấn tượng lớn đối với các đồng nghiệp đi trước. Vì thế khi lần đầu tiên tham gia dự thi GV giỏi môn tiếng Anh, thầy đã đoạt giải khuyến khích cấp thành phố. Bên cạnh đó, nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu GV trẻ cấp thành phố. Nhưng đây chỉ là bước khởi đầu vì chặng đường phía trước của thầy vẫn còn dài.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh