Chủ nhật, 22/7/2012, 17h07

Cây lựu - Chữa lỵ kinh niên

Cây lựu còn có tên gọi là tháp lựu, thạch lựu, an thạch lựu, đan nhược, kim bàng, kim tương, tạ lựu..., có tên khoa học là Puni-cagranatum L.

Là một loại cây nhỏ, thuộc mộc, cao chừng 3-4m, thân xám có vỏ mỏng, cành mảnh, lá đơn mọc đối, hình thuôn dài, mép nguyên cuống ngắn. Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc màu trắng (bạch lựu) mọc riêng lẻ, hoa thường nở về mùa hè. Quả da màu lục, khi chín màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có nhiều hạt mọng với sắc hồng trắng, có vị ngọt, thơm. Cây lựu được trồng để làm cảnh, làm thuốc và lấy quả ăn với nhiều dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất...

Theo Đông y, vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy, trừ giun. Vỏ rễ có tác dụng tẩy sán (chú ý có độc). Vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy. Mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh, quả lựu có chứa chất chống oxy hóa rất mạnh. Nước ép quả lựu, hạt lựu, vỏ lựu có tác dụng hạ cholesterol, chống lão hóa, chữa bệnh hẹp động mạch cảnh (uống nước ép quả lựu liên tục 30 ngày có kết quả rõ rệt).
Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh:
- Trị tiêu chảy hoặc tiêu ra máu, di tinh, bạch đới, lỵ trực khuẩn: Vỏ quả lựu 15 g, sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
- Chữa nổi mày đay, mẩn ngứa do nhiệt: Vỏ quả lựu tươi, ké đầu ngựa, bèo cái, bồ công anh, thổ phục linh, hà thủ ô, mỗi loại 12 g xác ve sầu, mã đề, cam thảo đất, mỗi thứ 8g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 750 ml nước trong 15 phút, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Mỗi liệu trình 3-5 ngày.
- Chữa chảy máu cam: Hoa lựu 6g, rửa sạch cho 250 ml nước, sắc còn 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.
- Chữa lỵ kinh niên, phân có máu, mủ: Vỏ quả lựu, a giao, đương quy mỗi thứ 10 g, hoàng liên, hoàng bá, gừng tươi mỗi thứ 5 g, cam thảo bắc 3 g. Sắc 3 nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 4 lần uống trong ngày, uống 7-10 ngày.
- Chữa ho do nhiễm lạnh: Hoa lựu trắng tươi 24 bông, đường phèn 15g. Cho tất cả vào nồi ngâm với 500 ml nước trong 15 phút, sắc còn 150 ml, chia 2 lần uống trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình 7-10 ngày.
- Tẩy giun đũa, giun kim, giun tóc: Vỏ quả lựu 15 g, hạt cau già 10g. Sắc 3 lần rồi cô lại còn 100ml rồi thêm 20g đường cát. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ (sau khi ăn 3 giờ), liên tục trong 3 ngày.
- Sâu răng: Vỏ thân cây lựu hoặc vỏ quả sắc đặc ngậm về phía răng sâu.
- Hỗ trợ trị viêm tiền liệt tuyến: Hoa lựu tươi 30g nấu canh với thịt lợn ăn hàng ngày.
Chú ý: Vỏ quả lựu cần sao khô, giã cho dập thành bột thô rồi mới sắc để phát huy hết tác dụng. Hoa, vỏ quả và vỏ rễ thạch lựu không nên dùng cho người bị táo bón.

Theo NNVN