Thứ ba, 23/5/2017, 19h34

Chấm bài thế nào để “tâm phục, khẩu phục”?

Ngữ văn là một môn học bắt buộc trong nhà trường vì tầm quan trọng nhiều mặt của nó trong việc hình thành nhân cách con người. Nói thế để chúng ta hiểu phần nào vị trí của môn ngữ văn trong các cấp học, nhất là cấp THPT.

Vấn đề đặt ra ở đây là giáo viên chấm bài thế nào để học sinh “tâm phục, khẩu phục”; để các em thích học bộ môn hơn? Hiện nay, nhìn chung các “cách” chấm bài như sau:

Một là chấm bài không sửa lỗi, đọc thoáng qua rồi “áng chừng” cho điểm. Cả bài viết của học sinh không một dấu mực đỏ, chỉ có điểm số và lời phê vô thưởng vô phạt như “Cần cố gắng!”, “Có tiến bộ!”… Cách chấm này tuy nhanh, không mất thời gian nhưng học sinh không nắm được bài làm của mình có điểm nào mạnh, điểm nào yếu để còn phát huy và khắc phục trong những bài tiếp theo. Và cách chấm này thường cho điểm “nhàng nhàng” từ 5 đến 6, hoặc cao lắm là 7 vì trong khoảng điểm ấy, học sinh không thắc mắc gì thêm vì yên tâm với điểm số!

Hai là chấm bài theo “bản tánh” cố hữu là tìm bằng được những lỗi của học sinh để trừ điểm. Hầu như cả bài chẳng có ý nào “vừa lòng” giáo viên, nếu không sai câu cú thì sai dùng từ, diễn đạt… Học sinh rất ngán với kiểu chấm này, các em trở nên mặc cảm vì mình viết văn… không hay, không đạt dù có những ý hay, những suy nghĩ độc đáo nhưng giáo viên…  chấp nhận.

Ba là chấm bài kiểu “đo bằng gang tay”. Giáo viên lật bài ra, bài dài nhiều gang tay thì điểm cao; bài ít gang tay thì ít điểm… Học sinh nắm được “yếu điểm” này nên tha hồ tán, viết tràn lan cho đầy trang, cho nhiều trang vì giáo viên có đọc đâu mà biết sai với đúng. 

Cả ba cách chấm trên đều là những cách chấm bài thiếu trách nhiệm của giáo viên. Có nhiều người than phiền không đủ thời giờ chấm bài nhưng thực chất một ngày chúng ta đứng lớp bao nhiêu tiết; thời gian còn lại là tự học, là chấm chữa bài cho học sinh. Riêng tôi có cách chấm bài của mình mà học sinh khi nhận bài, nhận kết quả đều tỏ ra hài lòng, luôn thích học bộ môn. Trước hết tôi đọc qua bài làm của các em một lượt để thấy bố cục, kết cấu bài (phần dễ nhận ra) như thế nào… Tiếp đó đọc kỹ từng phần, từng đoạn và sửa lỗi cho bài làm. Đó có thể là lỗi chính tả, lỗi câu (câu chưa gọn), lỗi diễn đạt (diễn đạt lúng túng, chưa thoát ý…) hoặc lỗi dùng từ (dùng từ không chuẩn xác) hoặc lỗi trích dẫn thiếu chính xác… Với lỗi diễn đạt, tôi ghi phần sửa của mình ngang phần lỗi vi phạm để các em so sánh, đối chiếu để khắc phục sau này. Phần lời phê cũng cần chú ý: nhận xét chung về hình thức và nhận xét chung về nội dung. Tôi cũng không quên ghi thêm phần sau cùng như là sự động viên, khuyến khích các em như: “Mong bài sau kết quả cao hơn!”, hoặc “Khắc phục được những thiếu sót này, em sẽ tiến bộ nhanh!”. Không nên bêu riếu, mỉa mai những lỗi của các em mà phải rộng lượng tha thứ, giúp đỡ để các em có niềm tin vào bản thân mình.

Chấm bài văn là giáo viên đang đối thoại với học sinh. Bài giảng của thầy cô đọng lại trong từng câu chữ, trong bài văn của các em. Phải có lòng đam mê với bộ môn, chấm bài bằng trái tim, bằng tinh thần trách nhiệm thì các em luôn tin ở thầy cô và thích học bộ môn hơn.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng)