Thứ ba, 20/12/2016, 21h07

Chấm dứt thay đổi tuyển sinh xoành xoạch?

Sau một thời gian dài áp dụng phương thức tuyển sinh “3 chung”, Dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 xem như đã chính thức giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

Từ nay các trường ĐH, CĐ được tự đưa ra điều kiện xét tuyển, phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, thời gian xét tuyển và tự chịu trách nhiệm về công tác xét tuyển của mình. Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường cũng là nhằm thực hiện điều 34 Luật Giáo dục ĐH: Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Cũng nhằm thực hiện luật này, mọi thí sinh tốt nghiệp THPT đều có quyền đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chính thức được bãi bỏ. 

Ngay sau khi Dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 được công bố, các nhà nghiên cứu giáo dục phát biểu trên truyền thông cho rằng, dự thảo đã làm cuộc thay đổi tuyển sinh mang tính bước ngoặc của giáo dục Việt Nam và đây là điều các trường mong đợi.

Tuy nhiên, tự chủ tuyển sinh mang lại lợi ích gì cho thí sinh?

Cái lợi thứ nhất là thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, nhiều trường, nhiều đợt, không bị giới hạn như các năm trước làm tăng lên cơ hội trúng tuyển. Thứ hai, như trên đã nói, tự chủ tuyển sinh yêu cầu các trường phải công bố công khai các điều kiện xét tuyển đầu vào, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu… Việc công khai này giúp thí sinh có thêm tiêu chí để chọn ngành học phù hợp với năng lực, việc học tập vì vậy sẽ có kết quả tốt hơn. Phía nhà trường đánh giá năng lực thí sinh để xét tuyển cũng được sát hơn. Thứ ba, việc công bố chuẩn đầu ra, tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường cũng giúp cho thí sinh chọn được trường có chất lượng, uy tín; đảm bảo việc làm, nghề nghiệp tương lai của mình sau này.

Mặt khác, việc yêu cầu công bố công khai những điều kiện xét tuyển buộc các trường phải cân nhắc vì nếu đưa ra một mức điểm chuẩn thấp có thể làm giảm uy tín của trường. Tóm lại, quy định về tự chủ tuyển sinh dù muốn hay không cũng buộc các trường phải bước vào cuộc ganh đua về chất lượng và điều này càng có lợi cho thí sinh.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng tuyển sinh ở Việt Nam thay đổi liên tục trong nhiều năm qua đã gây không ít khó khăn cho phía nhà trường phổ thông cũng như thí sinh. Hy vọng với lần thay đổi phù hợp với Luật Giáo dục ĐH này, việc tuyển sinh sắp tới sẽ ổn định lâu dài.

Từ Nguyên Thạch