Thứ ba, 5/1/2016, 22h25

Chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách

Dịp Tết Bính Thân 2016, TP.HCM đã chuẩn bị, chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, dân nghèo, các đối tượng diện bảo trợ xã hội, công chức viên chức trên địa bàn thành phố với mức cao hơn 100.000 đồng/người so với năm trước. Đây là khẳng định của ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Ngành giáo dục thành phố tặng quà Tết cho thầy cô giáo ở Cần Giờ. Ảnh: H.Tr

Theo đó, mức 2,6 triệu đồng cho cán bộ lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, thương binh dạng đặc biệt, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc từ 81% trở lên. 1,4 triệu đồng cho cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh hạng 1/4, bệnh binh hạng 1/3, thân nhân liệt sĩ đang hưởng định suất nuôi dưỡng, người có công với cách mạng đang hưởng định suất nuôi dưỡng. 1,06 triệu đồng đối với thương binh các diện còn lại, bệnh binh các diện còn lại, người bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ 80% trở xuống, thân nhân liệt sĩ, cán bộ hưu trí, cán bộ mất sức, người bị tai nạn lao động, thương binh hạng 2/4.

Ngoài ra, đối với các cựu tù chính trị, cựu tù binh, đến nay thủ tục hồ sơ chưa được giải quyết chính sách nhưng được ban liên lạc cựu tù binh, cựu tù chính trị công nhận có hoàn cảnh khó khăn, cũng được trợ cấp với mức 950.000 đồng.

Riêng gia đình cán bộ, gia đình có con em đang công tác ở Trường Sa được tặng quà Tết với mức 1,5 triệu đồng/hộ; đối tượng là dân nghèo theo chuẩn nghèo mới của thành phố (thu nhập từ 21 triệu trở xuống) là 950.000 đồng/hộ.

Các đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội thường xuyên, người từ 80 tuổi trở lên, người mất sức lao động hết thời hạn do hoàn cảnh khó khăn chuyển qua hưởng trợ cấp xã hội cũng được hưởng mức chăm lo Tết là 950.000 đồng.

Quà Tết cho các hộ khó khăn giữ rừng ở huyện Cần Giờ là 700.000 đồng; đối với cán bộ công chức, viên chức ở đơn vị hành chính sự nghiệp, mức quà giữ nguyên như năm trước 1,2 triệu đồng/người.

Từ ngày 10-1 đến 5-2-2016, Ban Thường vụ Thành đoàn TP sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, Thành đoàn tổ chức vận động kinh phí, thăm hỏi, tặng ít nhất 11.000 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho các đối tượng; hỗ trợ ít nhất 3.500 lượt vé xe miễn phí cho sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân về quê đón Tết; giới thiệu khoảng 3.000 việc làm cho sinh viên, học sinh làm thêm dịp Tết; tổ chức 50 chuyến bán hàng bình ổn thị trường, 7 chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân trên khắp thành phố.

Tại Đà Nẵng, thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, tính đến nay đã có 381 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có báo cáo về tiền lương năm 2015, thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Theo đó, mức thưởng Tết của doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán thấp nhất là 1 triệu đồng, đây là doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, trong khi đó mức thưởng cao nhất là 200 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp cổ phần, vốn góp của Nhà nước. So với năm 2015, mức thưởng Tết cao nhất của doanh nghiệp tại Đà Nẵng giảm đi đáng kể (năm 2015, mức thưởng Tết cao nhất là 300 triệu đồng). Tuy nhiên, mức thưởng thấp nhất ở Tết Nguyên đán 2016 lại tăng hơn so với năm 2015.

Cụ thể doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 28 triệu đồng/người và thấp nhất là 1 triệu đồng/người. Với doanh nghiệp cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 1,2 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người. Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước, mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 1 triệu đồng/người và cao nhất là 55 triệu đồng/người. Đối với doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp từ nước ngoài), mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 157,5 triệu đồng/người, thấp nhất là 2,3 triệu đồng/người.

K.A - V.Yên