Thứ hai, 4/3/2013, 14h03

Chân dung nữ hoàng đi bộ châu Á

Nữ hoàng đi bộ Nguyễn Thanh Phúc (ảnh nhân vật cung cấp)

Trót lao theo cái đam mê của nghiệp thể thao vốn khắc nghiệt và không có nhiều ưu ái, đặc biệt là sự ưu ái dành cho phái nữ, vận động viên (VĐV) Nguyễn Thanh Phúc (TP.Đà Nẵng) đã đi bộ từ làng quê nghèo miền núi với đôi bàn chân lấm bùn đến đấu trường quốc tế; và đã ghi danh mình trên bảng vàng danh dự ở ngày hội Olympic 2012 (Anh quốc).
Thế nhưng ít ai biết rằng, trong cuộc sống đời thường, nữ hoàng đi bộ Nguyễn Thanh Phúclại rất đáng yêu với những sở thích cực kì nữ tính…
Tập luyện gấp đôi để được… mặc áo dài
Chúng tôi hẹn với VĐV đi bộ Nguyễn Thanh Phúc vào một ngày đầu tháng 3, khi em đang gấp rút tập luyện những ngày cuối cùng trước khi chuẩn bị đến Tokyo (Nhật Bản) dự giải đi bộ châu Á vào ngày 13-3 sắp tới. Tất bật sau một buổi tập luyện khá vất vả, gương mặt lấm tấm mồ hôi, Phúc cười tươi bảo: “Thế là năm nay, em sẽ đón Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3) trên bầu trời trên đường đến nước Nhật”. Đây là lần thứ 2, Phúc tham gia giải đấu lớn ở khu vực, tuy nhiên nhắc đến Phúc, hẳn không chỉ người hâm mộ trong nước mà khắp thế giới đã biết đến một nữ VĐV từng đạt HCV SEA Games 26, HCV châu Á và phá kỉ lục chuẩn B Olympic… Thành tích của Phúc có lẽ không cần phải điểm lại bởi chỉ cần gõ vào Google tìm kiếm đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm tin bài viết về em. Hiển nhiên là thế! Nhắc tới tên em, hẳn không ít người hình dung đến một cô gái bản lĩnh, ít nhiều mang dáng vẻ… con trai, bởi cái nghề mà em đang theo đuổi. Nhưng không! Gặp em, càng tiếp xúc với em, nét nữ tính hiền thục nơi em càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con ở xã Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng), từ nhỏ Phúc đã phải tranh thủ những buổi nghỉ học để ra đồng phụ giúp cha mẹ. Lên lớp 8 với tố chất điền kinh nổi trội, Phúc được các thầy giáo dạy năng khiếu phát hiện và động viên em thi tuyển vào chuyên ngành năng khiếu thể dục để có điều kiện phát triển. Lớp 8, em khăn gói xuống phố theo học THCS. Đa phần các học sinh khi đã đỗ vào chuyên ngành năng khiếu, họ đành chấp nhận chuyển từ học chính quy sang hệ bổ túc để có điều kiện tập luyện tốt hơn. Riêng Phúc mặc quy định ràng buộc, thậm chí hiểu rõ sự khắc nghiệt mình đã lao theo, em vẫn một mực xin thầy cô cho em được học chính quy. Lý do đơn giản chỉ vì: “Em thích mặc áo dài nên cho em đi học chính quy để được mặc đồng phục áo dài. Thời gian còn lại em sẽ cố gắng tập luyện cho bằng các bạn”. Từ đó, các bạn tập một, Phúc phải tập hai giống như người ta chỉ cần mất thời gian 1 phút để chạy một đoạn đường 100m thì Phúc phải làm sao chạy cũng đoạn đường ấy với chỉ 30 giây. Khó và khổ! “Nhiều lúc đi tập mệt muốn đứt hơi, có hôm em ngã gục trên bãi tập, nước mắt ứa ra; cũng có khi muốn buông xuôi lắm nhưng cứ nghĩ đến việc không được mặc áo dài đến lớp như ước mơ của mình thì buồn lắm. Thế là em lại cố gắng thêm chút nữa. Cứ thế cho đến khi vào ĐH”, Phúc bảo thế.
Bây giờ khi đã là một VĐV thành tích cao, thời gian tập căng thẳng hơn và cơ hội để mặc áo dài ít đi nhưng em vẫn giữ sở thích đó vào những lúc có thể. Không chỉ thế, Phúc còn cho biết, em rất mê thú nhồi bông và đặc biệt thích khám phá các nét văn hóa đặc sắc của những vùng đất nơi em đến thi đấu. “Em đã đi được đến Anh, Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản rồi. Ở các nước này, hễ có thời gian nghỉ thả lỏng là em tranh thủ dạo bộ đến một vài nơi để ngắm cảnh, tìm hiểu văn hóa của họ”. Món quà sau những chuyến đi như thế của Phúc mang về tặng bạn bè, người thân cũng thật đặc biệt. Đó là cây viết. “Vì sao không phải là một thứ mang nét văn hóa nơi em đến?” - chúng tôi hỏi. Phúc cười tươi, nói: “Đấy là một món quà hay nhưng em nghĩ ở đâu và bao giờ cũng vậy, cây viết có ý nghĩa lắm, nhờ cây viết, nhờ con chữ người ta mới có thể vươn cao, đi xa giao du khắp đó đây đồng thời bắt nhịp được với sự phát triển”.
Ước mơ thay đổi cách nhìn về môn đi bộ

Hai chị em VĐV đi bộ Thanh Phúc và Thành Ngưng (ảnh nhân vật cung cấp)

Bộ môn đi bộ đã được đưa vào các kỳ Olympic, thế nhưng nói đến môn này, không ít người cười khẩy: “Thi gì không thi lại thi đi bộ! Ngày nào mà chả phải cuốc bộ đến rã chân…”. Trong ngành thể thao, mỗi năm có hàng ngàn thí sinh thi đỗ vào các trường TDTT nhưng tính số lượng VĐV đi bộ người ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này không cần đến các trường hay trung tâm TDTT lấy số liệu, cứ đến mỗi mùa giải lớn như SEA Games hay thậm chí cả giải cấp châu lục, người hâm mộ thể thao cũng chỉ được nghe nhắc đến ba cái tên quen thuộc của Trung tâm TDTT TP.Đà Nẵng, đó là HLV Trần Anh Hiệp và hai chị em Nguyễn Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng.
Có được tấm vé vào Olympic 2012 của Nguyễn Thanh Phúc, người hâm mộ Việt Nam phải đợi đến 32 năm dài đằng đẵng. Nguyên nhân ai cũng có thể nhìn thấy được là hầu như chưa bao giờ các trung tâm TDTT dành cho môn đi bộ một sự ưu ái nào. Phần khác đây là môn thể thao nghe thì dễ mà thực hành thì cực kì khó. Phúc tâm tư: “Nói tới môn thể thao đi bộ ai cũng tưởng nó dễ dàng nhưng kì thực không hề dễ. Đi chớ không phải chạy nhưng đi làm sao cho nhanh. Môi trường, kỹ thuật tập luyện cực kì khắc nghiệt, nếu không đủ bản lĩnh thì không thể làm được”. Cái khó nữa cho Phúc là ở Việt Nam chuẩn môn thi này chỉ quy định 10km, khi dự thi khu vực và các giải lớn nâng lên 20km. Thêm một lần vật lộn gian nan. Em chọn đi bộ vì nó khó, ít người chọn. Em muốn chinh phục cái khó đồng thời muốn đạt được thành tích nào đấy để chứng minh rằng đi bộ không phải là môn thể thao đứng hàng chót như trong quan niệm của nhiều người, thậm chí cả giới chuyên môn.
Khi được hỏi: “Quyết tâm chiến thắng vì hiếu thắng hay muốn làm người nổi tiếng?”, Phúc khiêm tốn trả lời: “Không, em không phải là người nổi tiếng. Cách đây 5 năm người trong giới chuyên môn không hề biết đến Thanh Phúc là ai thì bây giờ em đã được các chuyên gia biết đến, thế thôi”. Ngừng giây lát, Phúc nói tiếp: “Chọn nghề này suốt ngày phơi mặt dưới nắng gió, đặc biệt là đối với con gái. Kể ra cho hết thì toàn thấy mình thua thiệt thôi. Và kể cả việc hi sinh hạnh phúc riêng tư nhưng nghiệp đã chọn mình”. Chợt nghe tiếng máy bay ầm ào lấy đà nơi đường băng Sân bay Đà Nẵng, Phúc ngước đôi mắt trong veo hướng về phía máy bay cất cánh, cười tươi bảo: “Mục tiêu sắp tới tại giải đi bộ châu Á của em là bảo vệ tấm HCV năm trước đã đoạt được. Sau này khi giải nghệ nhất định em sẽ tình nguyện về làm HLV hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn đi sau. Em sẽ góp phần thay đổi cách nhìn về môn đi bộ để bộ môn này được yêu thích hơn, được đầu tư chuyên sâu hơn, giảm bớt sự thiệt thòi cho người mê nghiệp này”, Phúc tự tin.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Nói tới môn thể thao đi bộ ai cũng tưởng nó dễ dàng nhưng kì thực không hề dễ. Đi chớ không phải chạy nhưng đi làm sao cho nhanh. Môi trường, kỹ thuật tập luyện cực kì khắc nghiệt, nếu không đủ bản lĩnh thì không thể làm được”, Thanh Phúc tâm tư.